Muôn nẻo trầm hương (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, dư luận nóng lên về vấn đề trồng cây dó bầu tại Hà Tĩnh, cũng như nhiều tỉnh trong cả nước. Trên thực tế, giá trị trầm hương như thế nào? Khả năng tạo trầm của cây dó bầu ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về vấn đề đang gây nhiều chú ý, bàn cãi này.
Thế nào là trầm hương – kỳ nam?

Cây trầm (tên khác: cây gió, trầm hương, kỳ nam), tên khoa học: Aquilaria crassna Pierre, tên thương phẩm : Santal wood. Theo tài liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng được xuất bản năm 1981 (Nhà xuất bản Nông nghiệp), tập IV, trang 178 cây trầm là loài cây gỗ lớn thường xanh, cao 15 – 25 mét, đường kính 60 cm. Vỏ ngoài nhẵn, màu xám có vết nhăn dọc, thịt vỏ màu trắng, có tơ mịn, dày 2 – 4 mm. Cành non phủ lông mềm màu vàng xám. Trầm phân bố ở Việt Nam, Lào, Ấn Độ… Tại nước ta, đã gặp trầm ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam Đà Nẵng, Gia Lai, Kom Tum… Cây mọc trong các rừng ẩm nhiệt đới. Có thể gặp ở độ cao 1.000 mét, nhưng tập trung ở độ cao dưới 700m. Trầm là cây chịu nóng, tái sinh tự nhiên tốt, ưa đất thịt pha cát tầng đất dầy. Mùa ra hoa vào tháng 7 – 8. Quả chín vào tháng 9 – 10.

Trên thế giới có 28 loài thuộc chi Aquilaria có thể cho trầm. Những loài này có mặt ở 15 nước trên thế giới. Riêng Việt Nam có 6 loài và Aquilaria crassna là loài quý nhất trong nhóm. Sở dĩ loài này quý nhất là vì nó sản sinh ra trầm tốt – với cái tên khác là kỳ nam.

Có nhiều ý kiến khác nhau về sự kết tụ trầm. Các nhà khoa học đều cho rằng trầm, kỳ hình thành bởi cây dó tiết ra nhựa nhằm tiêu diệt côn trùng và các loại nấm để bảo vệ vết thương. Trong điều kiện nhất định, khi bị tổn thương từ bên trong, cây tiết ra “chất kháng độc” có tác dụng tự bảo vệ, chống bệnh hại xâm nhập. Chất tích tụ lại được gọi là trầm, có mùi thơm đặc biệt.

Thành phần chủ yếu của trầm gồm có: benzylaxeton 26%, metoxybenzylaxeton 53%, tecpen ancol 11%, ngoài ra còn có axit xiamic và dẫn xuất. Quá trình này diễn ra rất chậm, từ 50 năm đến hàng thế kỷ. Một số ý kiến khác cho rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hòa trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam. Lại có ý kiến khác khẳng định, trầm hay kỳ là sản phẩm đặc biệt được hình thành từ lõi cây dó bầu do việc tích tụ tinh dầu.

Như vậy, việc cây dó tạo trầm như thế nào đến nay vẫn còn là một sự bí ẩn, cần có quá trình nghiên cứu lâu dài để khám phá. Tuy nhiên hiện nay, cách thông thường nhất được làm để tạo trầm là chặt ngọn cây còn sống hoặc khoan lỗ vào thân cây, nhằm kích thích quá trình tạo trầm. Trầm sẽ được sinh ra ở trên cây sống hoặc trầm rục ở cây đã đổ.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, trầm hương được chia thành 7 loại. Kém chất lượng nhất là loại VII, tốt nhất là loại I. Hiện tại, người ta đưa thêm vào danh mục loại thứ VIII, đó là trầm hương nhân tạo, tức là do người trồng tạo ra bằng biện pháp kích cảm. Chất lượng của loại trầm hương I có thể so sánh với kỳ nam, hai loại này nhiều khi rất khó phân biệt.

Đông y phân loại trầm tốt – xấu theo một cách khác: Nếu cho vào nước, trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước.

Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc (vì loại 1 có giá rất cao). Ngoài ra, người ta phân chia kỳ hương ra thành các loại: hắc kỳ (có màu đen, là loại đắt tiền nhất); thanh kỳ (màu xanh xanh, còn gọi là hoàng kỳ) và bạch kỳ (màu trắng đục).

Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Kỳ cũng nặng vậy, nhưng thường có tinh dầu rịn ra bên ngoài ươn ướt. Trên thị trường, có khi người ta giả trầm “xịn” bằng cách, lấy trầm loại 3 khoan một lỗ thật sâu chế chì vào trong đó và bít lại, rồi xoa tinh dầu trầm, đánh bóng.

Trong y học, trầm hương tính ôn, vị thơm, cay; là một vị thuốc quý dùng chữa các chứng đau bụng, đầy bụng, nôn mửa, hen suyễn, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh, tráng nguyên dương… Đây là loại đặc sản quý hiếm của các vùng rừng núi nhiệt đới thuộc Nam Á và Đông Nam Á. Hương thơm và công dụng nổi bật của trầm hương là nguyên nhân cơ bản khiến nó bị con người săn lùng kiệt quệ trong thiên nhiên.

Từ xưa đến nay, trầm hương luôn được coi là một thứ hương liệu quý hiếm dùng làm mỹ phẩm cao cấp như dầu thơm, nước hoa, phấn sáp; chế biến các loại giấy quý hiếm có mùi mật hương. Người ta dùng trầm hương trong các dịp đại lễ, cúng tế.

Việc đốt trầm hương trong các đền đài, nơi thờ cúng được coi là hình thức dâng cúng thiêng liêng, cao quý nhất. Trước đây, trầm hương chỉ dành cho vua chúa, hoặc người có nhiều tiền.

(Còn nữa)