Sức sống Rạn Trào

Nhắc đến con tôm sú, không ít hộ nuôi tôm ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa không khỏi thở dài ngao ngán. Nhưng giờ đây, dư âm của những mùa vụ thất bát, những khoản nợ khổng lồ từ nuôi tôm sú đang được lấp dần sau mấy mùa liên tiếp người nuôi tôm hùm lồng “thắng lớn”.

Bình minh vừa bắt đầu cũng là lúc hầu hết những người đàn ông trong làng Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh dong thuyền ra khơi (cách bờ biển chừng 500-700m) để cho tôm hùm “ăn sáng”. Điểm chung giữa họ là ai cũng… đen nhẻm, cơ bắp cuồn cuộn như những khúc gỗ lim. Lần lượt, họ khuân từng bao thức ăn nuôi tôm, lội bì bõm trên bãi nước rong chuyển ra thuyền, bắt đầu một ngày lao động mới. “Tôm ăn ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối” – một người trong nhóm cố nói át tiếng gió khi chúng tôi xin đi theo để “xem cho biết”. Ai cũng tỏ ra ái ngại bởi “mùa này gió Nam thổi mạnh, đi thuyền không quen nguy hiểm lắm. Với lại các chú quần áo, máy móc thế kia ra đây có mà vứt hết, nước tạt dữ lắm, ai đi ra mà chẳng như… chuột lột”. Cuối cùng chúng tôi cũng được ra khơi trên chiếc ghe của ông Nguyễn Văn Chim, một trong những người đầu tiên gây dựng nên nghề nuôi tôm hùm tại địa phương này.

Sau khoảng 20 phút tròng trành trên thuyền, chúng tôi cũng đến được lồng nuôi tôm. Tại đây, ông Nguyễn Văn Nhân tiếp chúng tôi bằng câu chuyện về nghề nuôi tôm hùm. “Ở ngoài này sướng lắm, chẳng ai quấy rầy, thích làm gì thì làm và có thể nghe radio hay cassette. Buồn nữa thì nói chuyện với… tôm”. Như gặp được người để nói chuyện, ông Nhân cho biết thêm: “Mỗi ô lồng rộng 16m2, đủ chỗ cho từ 50-70 con tôm hùm. Ô lồng nuôi tôm hùm có 2 loại, một là ô lồng cố định bằng cách đóng cọc trực tiếp xuống biển, đan lồng nuôi xung quanh, cách này trước đây người ta hay áp dụng. Còn hiện nay chủ yếu chuyển sang nuôi tôm hùm trên bè nổi (lồng bè). Chi phí làm mới một ô lồng là 3,5 triệu đồng, độ bền 6-7 năm. Cứ 2-3 tháng phải làm vệ sinh lưới 1 lần vì hàu, vỏ sò bám vào. Con tôm hùm ưa ở sạch, bẩn quá nó… đi ngay”.
 

Năm 2006, huyện Vạn Ninh có trên 7.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Hưng, Vạn Thạnh, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã. Từ đầu năm đến nay, Vạn Ninh đã thu hoạch trên 100 tấn tôm hùm lồng. Giá 1kg tôm hùm ở mức 660-700 ngàn đồng/kg. Dự kiến sản lượng tôm hùm cả năm đạt khoảng 350 tấn, giá trị gần 150 tỉ đồng.



Nhìn những sợi dây thừng treo quanh lồng nuôi tôm, tôi cứ ngỡ là sợi dây cố định bè nuôi, hóa ra không phải. Đã nuôi tôm hùm bằng bè là phải bảo đảm nước lên, bè lên sao cho mực nước trong ô lồng luôn giữ mức 4,5m. Ông Nguyễn Ty, người dẫn chúng tôi ra đây cho biết : “Đó là sợi dây nuôi vẹm. Từ 30-32 dây vẹm xanh bao quanh 1 ô lồng vừa làm sạch nước vừa làm thức ăn cho tôm đang được hầu hết những người nuôi tôm hùm vùng này áp dụng”. Thử nhấc một vài dây nuôi vẹm, những sợi dây dài chừng 1,5m bám đầy vẹm xanh và… chất bẩn, tôi thực sự cảm nhận những chú vẹm này sẽ là “chiếc máy” cải tạo môi trường tốt nhất hiện có. Ông Ty giải thích thêm: “1 kg vẹm giống sau 1 năm nuôi sẽ cho 10-15 kg vẹm thương phẩm. Khu vực nuôi tôm hùm kết hợp nuôi vẹm, môi trường dần được cải thiện, ô nhiễm vi sinh vật giảm, hàm lượng các chất hữu cơ trong môi trường nuôi giảm, đặc biệt là ở tầng đáy”.

Giàu lên nhờ… tôm hùm

Tạm biệt ông già vui tính với chiếc radio, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Thế Thọ, một đại gia nuôi tôm hùm với số tiền mà anh đầu tư vào nghề này đã vượt qua con số 2 tỷ đồng. Gặp anh đang ngồi đan lưới chuẩn bị thả thêm lồng nuôi tôm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đứng trước người đàn ông chỉ ngoài 30 tuổi mà trên vai đã gánh vác cả một gia tài khổng lồ, với 52 ô lồng và gần 10 ngàn con tôm hùm. Anh Thọ bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi: “Tôm hùm vùng này chủ yếu nuôi 3 loại: tôm sao, tôm tre và tôm xanh. Gia đình tôi năm nay nuôi trên 2.500 con tôm sao. Giá một con giống tôm sao loại tôm trắng (chỉ lớn bằng đầu đũa) trên dưới 200 ngàn đồng. Sau từ 16-18 tháng nuôi, tôm thương phẩm đạt từ 1 đến 1,4kg, giá bán tôm sao thương phẩm năm nay rất cao, có khi lên đến trên 700 ngàn đồng/kg. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán từ 1-2 lần, mỗi lần từ 1-3 tạ tôm. Chi phí thức ăn cho 1 con tôm từ khi thả đến khi thu hoạch khoảng 160 ngàn đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn thả trên 4.000 con tôm tre, con giống loại này rẻ hơn, chỉ 11.000 đồng/con. Sau 10 tháng nuôi tôm có thể lớn từ 1-4 lạng, mỗi kg tôm tre hiện nay là 240 ngàn đồng. Cuối cùng là 1.000 con tôm xanh, với giá tôm giống 60.000 đồng/con, tôm thương phẩm có giá 420 ngàn đồng/kg”. Chúng tôi hỏi lời lãi ra sao, anh cười : “Cũng lời lắm chứ, nhưng mà khó tính toán cụ thể. Ngoại trừ chi phí thức ăn, thuê công, giống, lồng nuôi… mỗi năm trả nợ ngân hàng một ít, còn lại đầu tư mua thêm giống về nuôi. Con tôm nuôi đến chừng thu hoạch là bắt lên, chẳng hẹn ngày tháng gì cả, nên cũng khó tính cho ra lời lãi”.

Hiện toàn xã có 700/1.400 hộ tham gia nghề nuôi tôm hùm lồng, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Tự. Hàng năm, với trên 2.000 lồng, sản lượng bình quân đạt trên 100 tấn. Trong đó, hướng đi chủ yếu mà người dân nơi đây áp dụng là lấy ngắn nuôi dài, đầu tiên là đầu tư vào tôm tre, rồi đến tôm xanh và sau là tôm hùm. Cũng có không ít gia đình ban đầu chỉ nuôi vài chục con, sau khi tích cóp được số vốn lớn hơn đã mạnh dạn đầu tư thêm, chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Ty, năm trước ông chỉ có 2 ô lồng với 150 con tôm sao. Năm nay tôm được giá ông đã trả hết nợ ngân hàng với số tiền 20 triệu đồng. Còn một ít vốn, ông đầu tư thêm 2 ô lồng nữa, nâng số tôm nuôi lên 750 con, hứa hẹn sẽ vực cả gia đình ông dậy sau những cú ngã trước đây.

Có thể thấy, nhờ được mùa tôm hùm lồng, nhiều gia đình đã khỏa lấp được những khoản nợ khổng lồ và niềm vui, sự hoan hỉ đang dần trở lại. Tạm biệt làng ven biển Xuân Tự theo tiếng nhạc xập xình phát ra từ những ngôi nhà khang trang, tôi thầm mong niềm vui sướng ấy sẽ mãi tồn tại trong làng chài nhỏ này.