Bảo vệ đa dạng sinh học

Các nhà sinh vật dự báo, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2020 ước tính 5-10% số loài sinh vật trên thế giới sẽ bị biến mất và vào năm 2050 số loài bị tiêu diệt tăng lên đến 25%. Với tình trạng này, trong 30 năm tới, có khoảng 60.000 loài thực vật sẽ bị tuyệt diệt.

Kết quả những nghiên cứu sinh học quốc tế gần đây đều cho thấy hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của Trái đất đang đứng trước mối đe dọa. Hiện nay, trên thế giới có từ 10 đến 50 triệu loài động – thực vật, nhưng cứ mỗi ngày trên hành tinh lại có ba loài động vật bị biến mất.

Chỉ riêng trong hệ sinh thái đồng ruộng, tính đa dạng sinh học bị giảm đi nhanh chóng. Do quá trình chọn lọc, những giống cũ có khả năng thích nghi và chịu đựng tốt với môi trường nhưng lại có nhược điểm là năng suất thấp và dần bị thay thế. Tại nhiều nước, hàng loạt giống cây trồng vật nuôi không còn thấy trên đồng ruộng hay bãi chăn thả, chúng hoặc “nằm” trong các nhà kho bảo quản nguồn gien hay đã vĩnh viễn biến mất.

Trong giai đoạn 1970-1980, tốc độ gia tăng lúa gạo vựơt xa so mức độ gia tăng dân số. Nhưng bước vào thập niên 90, chiều hướng đã thay đổi, số dân châu Á (tiêu thụ lúa gạo) tăng 1,8%/năm, song sản lượng lúa gạo chỉ tăng có 1,5%/năm. Mục tiêu đến năm 2015 đặt ra phải giảm số người thiếu đói từ 800 triệu người như hiện nay, xuống còn 400 triệu.

Ðể đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu,… các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới. Nhiều giống mới năng suất cao hơn hẳn các giống truyền thống được tạo ra. Song cũng có hàng loạt giống cũ bị biến mất. Giống mới tạo ra các cánh đồng độc canh, hoặc chỉ có một số ít loại giống cây trồng. Giống mới thay thế giống truyền thống, làm đơn điệu, nghèo nàn hệ sinh thái đồng ruộng.

Hiện nay hơn 60% số giống lúa trên thế giới đang gieo cấy là giống của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Còn tại Mỹ, nông dân chỉ trồng 1% số lượng các giống mà họ đã trồng 100 năm trước.

Giống cây trồng do công nghệ sinh học lần đầu tiên tạo ra vào năm 1983. Từ đó đến nay, người ta đã tạo ra hơn 50 loại giống cây mới. Công nghệ sinh học ngày càng được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là lai tạo và nhân giống cây trồng. Nhân giống bằng nuôi cấy mô không còn là việc trong phòng thí nghiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu nữa mà đã được chuyển giao xuống tới tận người dân.

Năm 2000, thị trường thế giới về các giống chuyển đổi gien giá trị từ 2 đến 3 tỷ USD; năm 2005 là 6 tỷ USD; 2010 là 20 tỷ USD. Sản lượng cây trồng thập kỷ tới dự kiến sẽ tăng 10-25% nhờ các giống chuyển đổi gien. Từ 1986 đến 1997 thế giới đã tiến hành 25.000 thí nghiệm chuyển đổi gien trong 60 mùa vụ ở 45 nước. Ðến năm 2000 có 12 loài cây với 6 đặc thù sản xuất 48 loại sản phẩm nông nghiệp có chuyển đổi gien. Năm 1996 chỉ có 2,8 triệu ha gieo trồng các giống chuyển đổi gien, năm 1997 tăng lên gần 13 triệu ha (trong đó Mỹ chiếm 8 triệu ha, Trung Quốc 1,8 triệu ha, Chile 1,4 triệu, Canada và Australia mỗi nước trồng 1,2 triệu ha). Trung Quốc những năm 90 là nước đầu tiên đưa giống chuyển đổi gien vào thuốc lá, cà chua (gien kháng virus). Trong các loại cây có chuyển đổi gien thì đậu tương chiếm 60%, ngô chiếm 25% diện tích.

Những sinh vật mang biến đổi gien ngày càng gây ra nhiều tranh cãi vì ảnh hưởng lâu dài của nó với sức khỏe con người và vẫn chưa có những đánh giá đúng mức. Thành công trong kỹ thuật cấy chuyền phôi cũng đã giúp tăng nhanh lượng đàn bò trên thế giới.

Năm 1996 cả thế giới đã cấy chuyền được 400.000 bò, trong đó chỉ riêng Bắc Mỹ là 170.000 con, Nhật Bản: 60.000 con. Ðó là chưa tính số bò được cấy chuyền bởi các phôi thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện nay 70 – 80% bò đực giống hướng sữa trên thế giới đều sinh ra từ công nghệ phôi. Hiện nay chất hữu cơ en-dim được biến đổi gien đang được sử dụng trong việc chế biến pho-mát Mỹ. Cứ 6 trại chủ nước này thì có một trại chủ tiêm phoóc-môn biến đổi gien cho bò để tăng sản lượng sữa…

Với 12.400 loài thực vật, 7.000 loài động vật, Việt Nam là nước xếp thứ 16 trong các nước có đa dạng sinh học cao với khoảng 10% tổng số các loài đã được phát hiện trên thế giới.

Các nhà khoa học đã thống kê, định tên được 7.000 loài; 800 loài động vật rừng, 300 loài bò sát và ếch nhái; về chim có 1.024 loài và phân loài. Trong đó có 12 loài và 106 phân loài phụ đặc hữu, hơn hẳn các nước khu vực. Chẳng hạn, chim trĩ, thế giới có 52 loài, thì Việt Nam có 12 loài, trong đó có 5 loài chỉ thấy ở Việt Nam.

Thế kỷ 20, tại Việt Nam đã phát hiện 3 loài mới trong 7 loài động vật lớn. Giống cây trồng truyền thống của Việt Nam rất phong phú. Qua quá trình canh tác hàng nghìn năm, tổ tiên ta đã lưu chọn, tạo được nhiều giống lúa quý, chất lượng nổi tiếng. Chỉ tính riêng về lúa nếp đã tới ba bốn chục giống, trong đó có nhiều giống có chất lượng cao như: giống nếp rồng Nghệ An, nếp chân voi, nếp cà cuống, nếp dâu, nếp cánh sẻ, nếp bầu, nếp hương, nếp hoa vàng…

Tuy nhiên, tính đa dạng sinh thái của động thực vật nước ta cũng không thoát khỏi tình trạng chung đó. Rất nhiều giống, loài trong số đó đã và đang vắng bóng dần trong cuộc sống hiện tại. Trong Sách Ðỏ đã ghi hiện có 365 loài động vật và 350 loài thực vật ở Việt Nam là những quần thể đang đứng trước tình trạng nguy ngập.

Tính đa dạng của sinh vật hết sức quan trọng, nó góp phần bảo tồn thế giới sinh vật trước sự tác động, thay đổi của môi trường, nó quyết định sự cạnh tranh sinh tồn của các thể và sàng lọc ra những tính trạng với sức sống cao. Ðồng nghĩa với sự đa dạng, sự biến dị của sinh vật, là cơ sở, nguyên liệu cho sự chọn lựa các tính trạng như mong muốn trong nhân giống.

Tới đây sẽ ra đời nhiều loại giống mới, phương pháp tạo giống mới, nhưng cũng cần phải lường trước các hậu quả của nó gây ra, mà một trong những tác hại có thể nhìn ngay thấy được đó là sự tấn công vào đa dạng sinh học của tự nhiên, làm giảm tính phong phú các hệ sinh thái của thế giới sinh vật.