Nghiên cứu phát triển nguồn gien cây trồng đường phố Đà Lạt

Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà phối hợp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa tuyển chọn thực hiện nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gien các loài cây có giá trị làm cảnh phục vụ làm cây trồng đường phố tại Đà Lạt”.

Theo đó, nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gien cây lá phong, cây đa tử trà, cây đỗ quyên… phân bố tại Lâm Đồng; xác định vùng phân bố, đặc điểm sinh lý, sinh thái học của từng loài; xây dựng mô hình nhân giống các loài có giá trị; xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng tại một số đường phố, khu cảnh quan.

Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 của VQG Bidoup – Núi Bà, được phê duyệt tại một quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Kinh phí dự trù hơn 8,5 tỉ đồng, trong đó kinh phí thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh khoảng 6,5 tỉ đồng; kinh phí đối ứng thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gien cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh là 2 tỉ đồng.

Đa tử trà hương – một trong những loài cây có giá trị dùng làm cây trồng đường phố tại Đà Lạt. (Ảnh do VQG Bidoup – Núi Bà cung cấp)

Ông Trương Quang Cường, cán bộ nghiên cứu khoa học VQG Bidoup – Núi Bà, cho biết đơn vị đã hoàn thành điều tra xác định vùng phân bố, đặc điểm sinh lý, sinh thái học của từng loài. VQG này cũng đã nhân giống thành công những loài triển vọng, như: đa tử trà hương, đa tử trà bidoup, cây thích sống vùng núi cao… VQG Bidoup – Núi Bà đã nhân giống thành công hàng ngàn cây mỗi loài và đang trong quá trình theo dõi, chăm sóc để nhân rộng phục vụ công tác nghiên cứu đề tài khoa học nêu trên.

Đánh giá hiệu quả của những loại cây có giá trị sau khi nghiên cứu và phục vụ việc trồng trên đường phố Đà Lạt, ông Cường cho biết các loại cây trồng có giá trị này phân bố rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, còn trồng thành công trên đường phố hay không cần có thời gian.

Ngoài ra, VQG Bidoup – Núi Bà cũng đã điều tra, sưu tập, bổ sung, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn các nguồn gien thực vật có giá trị: Bộ giống lan hài; một số loài cây huỳnh đường thuộc họ xoan; một số họ thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm của Lâm Đồng tại VQG Bidoup – Núi Bà (45 họ với 110 loài).

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết nguồn tài nguyên động – thực vật của Lâm Đồng phong phú và đa dạng nhưng nguồn gien đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Khai thác trái phép và quá mức nguồn tài nguyên sinh học; sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; xây dựng cơ sở hạ tầng; cháy rừng; ô nhiễm môi trường; du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai; biến đổi khí hậu; phát triển du lịch thiếu kiểm soát.

“Dù các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học đã có những hoạt động cụ thể để duy trì, phát triển các giống, loài động – thực vật song vẫn chưa có chương trình chi tiết và toàn diện để bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gien quý tại Lâm Đồng. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai sớm các kế hoạch, các nghiên cứu về bảo tồn nguồn gien để sử dụng hiệu quả và phát huy cao nhất giá trị nguồn gien cây trồng của vùng đất này” – ông Phạm S nhìn nhận.