Thêm căn cứ về loài thú khổng lồ có ở Việt Nam

Trên căn gác kín của một nhà nghiên cứu tại Hà Nội, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và TS Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vô cùng ngạc nhiên khi được tận mắt trông thấy một cặp sừng động vật kỳ vĩ (ảnh).

Gần 60 tuổi, TS Việt đã bỏ nhiều năm nghiên cứu các loài động vật từ thời tiền sử cho đến hiện nay, ở nhiều quốc gia, song chưa bao giờ ông nhìn thấy một cặp sừng to và dài đến như thế. Ông Việt dùng dây đặt lượn theo hai nhánh sừng cong, đo tổng thể, sừng dài 2,18m (!), còn đo bằng cách căng sợi dây từ hai điểm mút của hai nhánh sừng thì chiều dài là khoảng hơn 1,8m.

Những sợi lông còn lại ở phần đầu (sọ) con vật (phần ráp nối giữa hai nhánh sừng) rất to, cứng. Có lẽ, “ông chủ” (con vật) của cặp sừng đó phải to hơn một con voi trưởng thành(!?). Người đang sở hữu bộ sừng động vật lớn này cho biết: Họ đã mua được ở vùng miền tây Thanh Hoá. Người bán kể: Họ đã săn được “con thú” này.

Ông Phạm Trọng Ảnh – một chuyên gia hàng đầu của Phòng Động vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – sau khi trực tiếp xem bộ sừng kể trên đã nói với phóng viên Lao Động: Tôi chưa có điều kiện xem xét kỹ lưỡng, chưa nên vội vàng kết luận. Nhưng, bằng mắt thường, có thể tiên đoán đây là một loài trâu rừng quá lớn.

Việt Nam ta có trâu rừng (nhưng số lượng còn rất ít), chúng phân bố dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, trong đó có khu vực miền tây Thanh Hoá (giáp Lào) mà thông tin của người sưu tầm đã nói đến. Tuy nhiên, suốt 40 năm nghiên cứu (từng đứng ra “phân tranh” giám định các vụ án lớn nhất VN) về động vật và săn bắn động vật hoang dã, ông Ảnh chưa bao giờ gặp một bộ sừng của một con vật mà có thể lớn đến như vậy. “Cùng lắm chiều dài của cặp sừng động vật mà tôi trông thấy chỉ chưa đầy 1m” – ông Ảnh nói – trong khi cặp sừng này dài tới 2,18m.

TS Nguyễn Văn Việt đang lên kế hoạch sẽ trực tiếp cùng “người sưu tầm” trở lại vùng mà họ đã mua được cặp sừng để tìm hiểu thông tin từ thợ săn. Ông Phạm Trọng Ảnh cũng hào hứng hứa sẽ tham gia. Họ hy vọng cặp sừng lớn kể trên sẽ là sợi chỉ đỏ đưa các nhà khoa học, nhà bảo tồn tìm đến với một đàn thú khổng lồ sống trong những cánh rừng tương đối nguyên sinh miền tây Thanh Hoá.

Theo các chuyên gia, việc giám định giống, loài cho phần xương (sừng) động vật kể trên là không khó khăn gì, kể cả chi phí cho việc giám định DNA cũng rất… nhỏ. Biết đâu đây sẽ chẳng là đầu mối của rất nhiều câu chuyện thú vị và bổ ích khác?