Suy giảm nguồn cá không phải do cá voi

ThienNhien.Net – Trước tuyên bố của Nhật Bản cho rằng sự suy giảm nguồn cá thương mại là do loài cá voi, các nhà nghiên cứu đã phản biện bằng một bài viết trên tờ Science rằng không phải cá voi mà chính việc đánh bắt cá của ngư dân đã gây ra hiện tượng đó.

Phân tích số liệu sản lượng cá đánh bắt và số lượng cá voi trên vùng biển Caribê và Bắc Đại Tây Dương, Ông Leah R. Gerber và các đồng sự của mình đã chỉ ra rằng lượng cá mà ngư dân đánh bắt lớn hơn nhiều so với số lượng mà cá voi tiêu thụ.

Các tác giả cũng cho biết: “Hiện nay số lượng nhiều loài cá, kể cả cá voi có xu hướng giảm sút nghiêm trọng, nhưng chính sự đánh bắt cá quá mức mới là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Một khi các nước đang phát triển nằm trong vành đai nhiệt đới bị thuyết phục rằng “Chính cá voi đã nuốt chửng nguồn cá thương mại của họ”, thì các nước này sẽ có nguy cơ đi chệch khỏi vấn đề thực sự mà ngành ngư nghiệp phải đối mặt đó là: Sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên biển bằng các đội tàu đánh bắt xa bờ”.

Vin vào lý do “quản lý hệ sinh thái”, các quốc gia đánh bắt cá voi như Nhật Bản tự biện hộ cho mình và coi việc đánh bắt cá voi như một giải pháp giành lại nguồn cá đã mất do khai thác quá mức và gia tăng sản lượng đánh bắt. Trong số thành viên của Ủy ban quốc tế về cá voi (IWC), một vài quốc gia đang phát triển – những quốc gia có lợi ích kinh tế hoặc chính trị trong việc ủng hộ những quốc gia có truyền thống đánh bắt cá voi – cũng đã lên tiếng đồng tình với quan điểm: “Chính cá voi đã nuốt chửng nguồn cá”.

Bài viết của các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng thay vì tranh cãi có hay không áp dụng khái niệm “quản lý sinh thái” vào quản lý số lượng loài cá voi, nên có sự bàn luận vấn đề một cách toàn diện.

Cần phải có một nỗ lực nhằm khuyến khích các nhà khoa học và các nhà quản lý của các quốc gia đồng thuận với quan điểm của Nhật bản tự tiến hành các điều tra nghiên cứu trong chính khu vực hệ sinh thái của mình. Trong nhiều trường hợp, quan chức ngành ngư nghiệp ở các quốc gia đang phát triển, như các quốc gia vùng biển Caribê, không nhất thiết phải tin vào cái lí lẽ gọi là “cá voi nuốt chửng các loài khác” nhất là khi cái lý lẽ ấy bị chi phối bởi mối quan hệ kinh tế của quốc gia đó với Nhật Bản, đặc biệt là trong nghành thủy sản.