Vịnh Hạ Long: những bãi san hô đang trụi dần !

Ngoài khung cảnh thần tiên với hàng nghìn khối đá lô nhô giữa một vùng biển nước mênh mông, ít người biết đến chuyện dưới đáy Vịnh Hạ Long, những bãi san hô đang trụi dần.

Hệ sinh thái san hô là một nét đặc trưng của Vịnh Hạ Long. Một đặc tính của các loài san hô ở đây là khả năng sinh tồn trong những điều kiện tương đối khắc nghiệt. San hô ở đây không phát triển thành rạn mà dưới dạng những mảng nhỏ. Vịnh Hạ Long với trời xanh, nước thắm, rạng rỡ hơn nhiều bởi sự tô điểm của các rạn san hô ven bờ.

Nhưng nhiều năm qua, san hô tại Vịnh Hạ Long luôn ở trong tình trạng bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cũng như chất lượng. Nếu như vào năm 1985, hầu như chỗ nào ven đảo Hạ Long cũng đều có san hôthì đến năm 1998, có tới 1/3 rạn san hô đã biến mất.

Cuối tháng 6/2006, một cuộc khảo sát tại 200 rạn san hô ven biển Việt Nam (trong đó có vịnh Hạ Long) được tiến hành. Tiến sĩ Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển, Đội trưởng Đội cảnh sát ngầm (Viện Tài nguyên Môi trường biển) buồn bã : “Không còn gì để nói. San hô chết hết bao gồm cả mới lẫn cũ. Mới chết xương còn trắng. Cũ bị rong phủ gần hết”.

Trên nền đá cứng dưới đáy biển, san hô và rong cạnh tranh quyết liệt để lấy chỗ bám sinh sống và phát triển. Ở đâu rong phủ, ở đó san hô không còn đất sống. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh cũng bị suy giảm. Điều tra các nguồn đánh bắt hải sản thời gian gần đây ở vùng vịnh Hạ Long và xung quanh, các nhà khoa học cũng thấy vắng bóng các loại hải sản quý như cá bướm (Angel oriole), mú (Epinephelus areolatus), kiếm (Xiphias gladius) … Thêm vào đó, việc san hô biến mất gây mất cân bằng sinh thái ở Hạ Long, dẫn đến chất lượng môi trường ở đây suy giảm nghiêm trọng. Nhiều người đi nghỉ mát ở Bãi Cháy mấy năm gần đây phàn nàn nước biển nơi đây đục hơn xưa, sau khi bơi lại thấy ngứa da. Đấy là chưa kể việc mất đi con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ. Chiếc màng lọc khổng lồ của đại dương đang bị mất dần đi.

So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, mô hình tính toán mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn san hô bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự kiệt quệ và nguy cơ xóa sổ của san hô ở Vịnh Hạ Long là do nạn dùng thuốc nổ và chất độc để đánh cá. Ngoài việc bị hủy hoại do nạn dùng thuốc nổ và chất cyanide để bắt cá, san hô ở vùng biển này còn bị neo của tàu thuyền làm gãy và bị tổn hại bởi tình trạng rong biển quá nhiều phát sinh từ nạn đánh bắt cá quá độ. Các nhà khoa học đã đề nghị Sở Ngư nghiệp tỉnh Quảng Ninh ra lệnh cấm dân chúng đánh cá và không cho tàu bè thả neo gần nhóm đảo Cô Tô.

Hơn nữa, san hô ở Vịnh Hạ Long chết chủ yếu vì môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển du lịch thái quá, không theo quy hoạch, đặc biệt là hoạt động lữ hành và lưu trú của các con tàu du lịch trên biển cũng như sự phát triển ồ ạt các khu đô thị, nhà hàng, sự xuất hiện các bãi tắm và khu công nghiệp, khai thác than, quặng, bến cảng ở quanh bờ vịnh… đã khiến Vịnh Hạ Long nhanh chóng bị ô nhiễm nặng. Cùng với đó là nạn khai thác san hô tràn lan của ngư dân địa phương, phục vụ cho việc bán hàng lưu niệm.

Một nguyên nhân khac khiến các rạn san hô không có cơ hội phát triển là do nước ở đây đã quá đục, do việc lấn biển để phục vụ mục tiêu phát triển. Khi người dân tự phát phá rừng phòng hộ, phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, dẫn đến một lượng lớn phù sa đổ từ thượng nguồn ra vịnh. Nước đục khiến san hô chết dần.

Để cứu các rạn san hô của Vịnh Hạ Long, các chuyên gia khuyến cáo cần sớm thực hiện đồng loạt giải pháp bảo vệ nguồn nước của vịnh. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải, rác thải của các nhà hàng, khách sạn, khu đô thị mới, khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống tàu chở khách trên vịnh. Bên cạnh đó, cần tổ chức nuôi cấy lại các rạn san hô cho Vịnh Hạ Long bằng các giá thể xi măng hoặc chính thảm san hô chết. Cũng có thể dùng các vật liệu bằng gỗ, bê tông, sắt, cao su… đã xử lý kỹ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất rồi thả xuống vịnh để san hô bám và phát triển. Nếu kiên trì sau vài chục năm làm sống lại rạn san hô, Hạ Long có thể có thêm một loại hình du lịch mới: lặn xuống đáy biển xem san hô, đang rất hấp dẫn.

Các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học đã và đang có nhiều biện pháp nhằm lấy lại sức sống và sự dồi dào cho san hô tại Vịnh Hạ Long. Từ tháng 7/2005 cho đến nay, Viện Hải dương học Hải Phòng phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long tiến hành thực thi Dự án nghiên cứu trồng phục hồi san hô tại vùng biển Hạ Long, trước hết tại Cống Đỏ. Để bảo đảm an toàn cho 20ha san hô sẽ trồng tại đây, BQL vịnh Hạ Long quyết định thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách; khoanh vùng bằng phao tiêu trên mặt nước và chăng lưới tầng đáy kết hợp với công tác giáo dục cộng đồng, tạo tiền đề cho việc bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái tiêu biểu của vùng di sản.

Hi vọng rằng một ngày không xa, Vịnh Hạ Long sẽ lấy lại được vẻ đẹp rực rỡ muôn màu từ các rạn san hô.