Những con tàu đắm gây hại cho rạn san hô

ThienNhien.Net – Nhiệt độ và nồng độ axit trong nước biển đang gia tăng không chỉ là vấn đề duy nhất mà các rạn san hô phải đối mặt. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng, nạn đắm tàu cũng gây nguy hiểm cho hệ sinh thái này

Trước đây, đã có rất nhiều nhà khoa học bày tỏ quan điểm về sự liên quan giữa đắm tàu và sự suy giảm của quần thể san hô, các nhà nghiên cứu tại Hawaii đã quyết định tiến hành điều tra chi tiết. Họ tiến hành khảo sát rặng san hô Palmyra, một đảo san hô vòng biệt lập tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương.

Tại nơi khảo sát, họ phát hiện ra mật độ loại cỏ chân ngỗng R. howesii, loài sinh vật chuyên ăn san hô, tập trung rất cao gần khu vực một con tàu bị đắm vào năm 1991. Mật độ loài cỏ chân ngỗng giảm dần khi cách xa con tàu và ra ngoài bán kính 100 mét thì mật độ gần như bằng không, ngoại trừ các khu vực gần phao báo hiệu của ngành hàng hải được thả nổi tại rạn san hô từ năm 2001. Khi loài cỏ chân ngỗng này được cung cấp đủ thức ăn và không có kẻ thù, chúng phát triển rất nhanh về số lượng, tiêu diệt san hô và đe doạ sự bền vững của hệ sinh thái.

Sau hàng loạt cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng loài R.howesii không thể bị thu hút bởi nước thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp vì đảo san hô Palmyra tách biệt hoàn toàn khỏi đất liền.

Thay vào đó, các số liệu nghiên cứu cho thấy rằng quần thể loài cỏ chân ngỗng này có xu hướng tập trung tại khu vực có tàu đắm. Có lẽ lượng sắt hoà tan trong nước chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho chúng. Vì vậy các nhà nghiên cứu kết luận rằng: nếu như nguồn chất sắt càng dồi dào thì chúng càng có thể phát triển, ít ra là cho đến khi toàn bộ đảo san hô bị tàn phá và tiêu diệt hoàn toàn.

Theo nhà sinh vật đại dương William Precht thuộc khu bảo tồn sinh vật biển Florida trụ sở tại Key Largo, nghiên cứu ngày là một báo cáo khá đầy đủ về vấn đề các con tàu bị đắm có nguy cơ gây hại cho hệ sinh thái rạn san hô. Vì vậy mà chúng ta cần xúc tiến việc trục vớt các con tàu đắm càng sớm càng tốt.