Điều gì sẽ xảy ra nếu virus đậu mùa khỉ lây lan trong động vật hoang dã

Nếu virus đậu mùa khỉ lây nhiễm trong quần thể động vật hoang dã, con người sẽ không thể kiểm soát dịch bệnh được nữa, các nhà khoa học cảnh báo.

Ảnh minh họa

Dịch đậu mùa khỉ bắt đầu bùng phát ở nhiều nước từ tháng 5 năm nay được ghi nhận là mạnh chưa từng thấy. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy trong tháng 8 mỗi tuần có khoảng 7.500 ca nhiễm. Chỉ riêng trong tuần trước, có hơn 3.400 ca nhiễm mới. Theo một nghiên cứu mô hình công bố vào ngày 11/9, trong một đô thị, nếu virus đậu mùa khỉ hình thành ổ chứa trong một quần thể động vật gặm nhấm thì bệnh sẽ hình thành các đỉnh dịch sớm hơn và nhiều làn sóng lây nhiễm.

Trong đợt bùng phát dịch năm nay, trường hợp lây truyền từ người sang động vật đầu tiên xuất hiện vào tháng 8, đó là trường hợp chú chó săn ở Pháp ngủ cùng giường với cặp vợ chồng có triệu chứng đậu mùa khỉ. DNA virus từ chú chó khớp với DNA virus từ cặp vợ chồng. Cũng trong tháng 8, Bộ Y tế Brazil đã thông báo về trường hợp một con chó con bị lây virus đậu mùa khỉ từ người.

Vật nuôi bị bệnh có thể được cách ly tại nhà. Nhưng đáng lo ngại là nếu virus lây từ người sang chó, rất có thể nó cũng lây lan tiếp sang động vật hoang dã và tạo thành các ổ chứa mới chưa từng có bên ngoài châu Phi và thường xuyên lây truyền trở lại người, Malachy Okeke, nhà virus học tại Đại học Mỹ, Nigeria, giải thích. Rất khó kiểm soát sự lây lan của virus trong các quần thể động vật hoang dã, và đậu mùa khỉ sẽ trở thành “không thể bị loại bỏ”, theo Okeke.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lây nhiễm cho hơn 50 loài động vật có vú, theo dữ liệu của Đại học Liverpool, Vương quốc Anh. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác đâu là ổ chứa virus – một hoặc nhiều loài động vật mang và lây lan virus mà không phát triển bệnh. Một số động vật khả nghi là các loài gặm nhấm và động vật có vú nhỏ ở châu Phi – gồm chuột túi Gambia, sóc cây, sóc dây và chuột.

Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết động vật nào là ổ chứa virus đậu mùa khỉ do thiếu các chương trình giám sát chủ động và lâu dài. “Trước đợt dịch này, virus đậu mùa khỉ là đặc hữu của những quốc gia nghèo, nên ít ai quan tâm. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói điều này, nhưng đó là thực tế”, Okeke nói.

Với ít dữ liệu giám sát thực tế, một số nhà khoa học đang tìm các cách tiếp cận khác. Ví dụ, dự đoán loài nào có thể dễ bị lây nhiễm để tăng cường giám sát, nhà virus học Marcus Blagrove tại Đại học Liverpool cho biết.

Nhóm Blagrove đã thu thập một lượng lớn dữ liệu cấu trúc di truyền của bệnh đậu mùa khỉ và của 62 loại virus đậu mùa khác, và dữ liệu đặc điểm của gần 1.500 loài động vật có vú – gồm chế độ ăn uống, môi trường sống, và các hoạt động hằng ngày của chúng. Kết hợp hai dữ liệu này, họ chỉ ra các ổ chứa tiềm ẩn của bệnh đậu mùa khỉ.

Kết quả, chưa qua bình duyệt, cho thấy các loài động vật gặm nhấm và linh trưởng có nguy cơ mang virus cao hơn cả. “Có rất nhiều vật chủ tiềm năng trên khắp thế giới, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc và Bắc Mỹ”, Blagrove cho biết.

Cách tốt nhất để ngăn không cho virus đậu mùa khỉ lây sang nhiều loài động vật hơn, và tạo thành ổ chứa bên ngoài châu Phi, là ngăn chặn lây lan giữa người với người, theo Stephanie Seifert, nhà sinh thái học virus chuyên nghiên cứu lây nhiễm khác loài tại Đại học bang Washington. Và cách hiệu quả nhất là tăng cường phân phối vaccine, theo Seifert.