Tiếng kêu cứu từ biển miền Trung

“Thật đau buồn khi bao nhiêu cánh rừng ngập mặn người ta đã phá trụi, hàng loạt rừng san hô đủ màu sắc rực rỡ là ngôi nhà của biết bao nhiêu loài tôm cá ở dưới đáy biển cũng bị hủy hoại một cách đáng sợ. Rồi đây chúng biết dựa vào đâu để làm tổ, đẻ con – cung cấp cho đại dương nguồn lợi lớn”. Một nhà khoa học suốt cả cuộc đời gắn bó và nghiên cứu đáy biển đã đau xót như vậy.


Xung điện có ở mọi nơi

Xung điện (hay xiệc điện) có nhiều dạng với cường độ dòng điện phát ra khác nhau, tùy theo nơi chế tạo. Phổ biến nhất hiện nay là các bộ xung điện nhỏ mang tính “chiến thuật” đánh nhanh, rút nhanh. Cả bộ gồm: một bộ lưới kéo cực dày, dưới đáy có gắn chì và sợi dây đồng không bọc nhựa với dây dẫn lên bộ kích điện, bình ắc quy bỏ trong cái thau nhựa trôi theo người. Bộ kích điện này khi bật công tắc sẽ phát ra dòng điện 220v.

Với cấu trúc đơn giản và gọn nhẹ, xung điện chỉ cần hai người kéo là hoạt động ở mọi địa hình, mức nước từ 0,5 đến 1,5m. Khi màn đêm buông xuống, ở các vịnh, đầm, cửa sông, đội quân xung điện hoạt động rất rầm rộ. Cả miền Trung có hàng chục nghìn bộ xung điện hoạt động. Mấy năm gần đây, biên phòng và kiểm ngư Nghệ An đã bắt và xử lý 1.456 vụ sử dụng xung điện khai thác  thủy sản, tịch thu 1352 bộ kích điện và bình ắc quy. Tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng bắt và tịch thu gần 2500 bộ kích điện. Các thiết bị chế tạo bộ kích điện được bày bán khắp nơi, giá mỗi bộ từ 300 000 đến 500 000 đồng.

Còn với xung điện lớn, người ta đặt ngay trên ghe thuyền nhỏ, dài khoảng 7 m, rộng 1,4 m, cao 0,7m. Thuyền được gắn máy có công suất 6 đến 8 mã lực (CV), phía đầu mũi có hai cái càng gỗ dài đến 10 m, xòe rộng 5 đến 7 m, còn gọi là “pháo đài bay B52 trên biển” kèm theo bộ lưới cực dày, phía dưới trang bị thêm một sợi dây xích sắt rất to vừa dẫn điện từ bộ kích điện xuống, vừa có tác dụng lủi sát bùn.

Hiện nay, số thuyền giã nhũi kết hợp xung điện hoạt động mang tính táo tợn tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa; ở các tỉnh miền Bắc có Hải Phòng, phía Nam có Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Giã nhũi hủy diệt nguồn lợi và môi trường cao gấp 20 lần so với xung điện. Mỗi khi các loại xung điện đi qua, tất cả các loài sinh vật biển đều bị dòng điện làm tê liệt, không con nào sống sót nổi với dòng điện 220V

Giã cào phá hủy đáy biển

Ghe giã cào phát triển cả ba miên, giã cào ở miền Trung nhiều nhất chiếm khoảng 80% giã cào trong nước. Giã cào là loại có hai cái càng gỗ xòa cánh ra hai bên để buộc lưới khi kéo đi, ghe lớn thì trang bị cái miệng lưới lớn, ghe nhỏ thì lưới nhỏ. Tất cả đều sử dụng mắt lưới rất dày, dưới đáy có dây xích to, kèm theo hai tấm  sắt, ngư dân hay gọi “dép giã”, hoạt động gần bờ. Hiện nay một số tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm trên biển, thì đội quân ghe giã cào cực nhỏ, tầm hoạt động 1 đến 3 m nước để kiếm thức ăn cho tôm, số  này có cả mấy nghìn chiếc. Mỗi khi ghe giã nhũi giương càng đi “càn quét”, la lết dưới đáy biển làm cho môi trường biển bị tàn phá nghiêm trọng, mọi cá tôm, nghêu sò, ốc hến rất nhỏ đều bị “lũi” sạch, không sót con nào. Một điều bất hợp lý, hiện nay số ghe giã cào trong bờ dưới 20CV, ngành kiểm ngư không quản lý được. Chính vì thế số phương tiện này ngày càng tăng mạnh. Giã cào trong bờ là thủ phạm của các vụ tôm hùm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, bởi nó đi qua là bùn và các chất độc hại khác phun trào lên bao phủ các lồng tôm, dẫn đến tôm bị ô nhiễm chết, không chết cũng chậm lớn.

Phá rừng xanh của biển

Biển Nam Trung Bộ là một trong những vùng biển có lượng san hô nhiều nhất Việt Nam. San hô ở đây có nhiều loại với đủ các màu sắc rực rỡ, được phân bố khá đều ở các đảo, quần đảo, bán đảo. Trong nhiều năm qua, dân ven biển đua nhau khai thác san hô một cách dữ dội. Phong trào lấn biển làm đìa nuôi tôm khiến các rạn san hô ven bờ bị khai quật đưa vào đắp làm bờ kè chắn sóng, nung vôi. Chỉ tính riêng tỉnh Khánh Hòa, đã có 500  nghìn mét khối bị khai thác, nhiều nhất là vịnh Vân Phong thuộc hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh. Tại đây, đá san hô đắp bờ kè đê bao dài gần 10km. Song song với việc khai thác các rạn san hô, người dân còn phá nhiều vùng san hô cành. Họ dùng xà beng lặn xuống đào cả gốc đưa vào bờ rửa sạch, vận chuyển bằng ô tô đi các tỉnh tiêu thụ. Ở các khu du lịch Đà Nằng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…người ta bày bán san hô cành cho khách du lịch khắp nơi. Theo khảo sát của các nhà khoa học của Viện hải dương học Nha Trang, hiện nay có nhiều vùng san hô chỉ còn 40% độ che phủ, thậm chí có nơi đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Các rạn san hộ là ngôi nhà khổng lồ của các loài thủy sản, lá phổi của đại dương, nó như rừng nguyên sinh ở đất liền. Chỉ cần phá đi một vùng nhỏ san hô là phá cả quần thể sinh học trong lòng đại dương.

Hố rác khổng lồ
Một thực trạng đáng buồn mang tính phổ biến ở miền Trung, nhiều người dân ven biển chưa ý thức được về môi trường, bất cứ cái gì  họ cũng đổ ra biển, từ những cây dừa to đến mọi thứ vật dụng nhỏ nhất. Khách du lịch đổ về miền Trung ngày càng đông, nhất là mấy tháng mùa hè, các bãi biển hầu như quá tải biến thành “hố rác khổng lồ”. Biển miền Trung có khoảng 500 nghìn ghe thuyền và các phương tiện nổ, ghe nhỏ 6 CV sử dụng 2 lít dầu nhớt, tàu 90 CV thì lượng nhớt lên đến gần 100 lít. Các loại động cơ này chạy 1 – 2 tháng phải thay dầu nhớt một lần. Hầu hết các ghe tàu khi thay dầu nhớt xong đều đổ úp xuống biển. “Anh nghĩ xem chất dầu thải này bán không ai mua, cho không ai lấy. Chiếc tàu của tôi máy sáu lóc (60CV), mỗi lần thay hết mấy can nhớt chứ đâu phải ít, tốt nhất chạy ra xa đổ xuống biến cho mau” anh Trương Văn Hà (phường Bảo Ninh – thành phố Đồng Hới nói vậy). Mỗi năm biển miền Trung phải gánh chịu mấy triệu lít dầu nhớt từ các tàu thuyền thải ra. Anh Hoàng Việt Chiến, thủy thủ tàu biển một công ty vận tải miền Trung tiết lộ: “ Có những tàu biển lớn khi thay dầu nhớt xong, họ quăng cả phi xuống biển luôn”. Tác hại về môi trường thật khủng khiếp, thử hình dung trong một khu phố nhỏ chỉ 5 ngày xe rác không đến thu gom, thì cả khu phố đó sẽ ngập đầy rác thải.

Đâu là giải pháp

Rõ ràng biển miền Trung đang đứng trước nguy cơ “biên chết” . Biển nuôi sống trực tiếp và gián tiếp cả hàng chục triệu người từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nền kinh tế quốc gia có hưng thịnh hay không phụ thuộc vào biển rất nhiều, bảo vệ biển chính là bảo vệ một nguồn tài nguyên vô giá. Thế nhưng, biển của chúng ta đang bị tàn phá khủng khiếp do chính con người gây nên. Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời và hữu hiệu, thử hỏi 10 – 20 năm, biển có còn là biển bạc nữa không hay chỉ là thùng nước hỗn hợp khổng lồ ?