Báo động tình trạng phá rừng ở Tây Ninh

ThienNhien.Net – Tây Ninh có hơn 71.000ha rừng chạy dọc biên giới. Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ, lâm sản trái phép không ngừng gia tăng, khiến dư luận địa phương bức xúc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng, trong đó nguyên nhân chính là do người dân lấn chiếm chặt cây lấy đất sản xuất, trồng cao su…

Thực trạng đáng báo động

Từ năm 2012 đến nay, nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở tỉnh Tây Ninh luôn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, từ năm 2013 trở lại đây, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ hơn 400 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng với diện tích bị phá lên đến hơn 4,7ha. Riêng lực lượng kiểm lâm thu giữ hơn 70m3 gỗ tròn, 1,5m3 gỗ quý hiếm và nhiều lâm sản, phương tiện khác. Chỉ trong Quý I-2014, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 89 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng với diện tích rừng bị phá hơn 1,6ha. Lực lượng chức năng thu giữ hơn 13m3 gỗ tròn.

Mới đây nhất, ngày 14-3, tại khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tổ tuần tra của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh phát hiện 3 cây gỗ tròn, mỗi cây dài khoảng 10 đến 12m, đường kính từ 50 đến 60cm bị lâm tặc cắt đổ giữa rừng. Trước đó, ngày 25-2, tại tiểu khu 20 thuộc khu rừng Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ 13 cây cừ, mỗi cây có đường kính từ 30 đến 40cm, dài từ 5-7m. Tuy nhiên, con số mà lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ so với thực tế còn thấp hơn nhiều. Đi dọc các khu rừng, chúng tôi bắt gặp đầy dấu vết cắt gỗ, đốt phá. Những khu rừng được xác định là điểm nóng, đó là Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, rừng phòng hộ Hồ Dầu Tiếng…

Một vụ khai thác gỗ trái phép tại khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, được phát hiện ngày 14/3 (Ảnh: Duy Hiển/Quân đội Nhân dân)
Một vụ khai thác gỗ trái phép tại khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, được phát hiện ngày 14/3 (Ảnh: Duy Hiển/Quân đội Nhân dân)

Chứng kiến những vạt rừng bị đốt cháy nham nhở, nhiều cây lớn bị chặt phá, ông Võ Minh Quân, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết: “Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn hạn chế, nên khó kiểm soát”. Theo ông Quân, để khai thác gỗ trái phép, bọn lâm tặc lén lút chặt phá, sau đó ngụy trang là gỗ mua từ bên kia biên giới, hoặc chuyển qua biên giới rồi vận chuyển trở lại và tuồn về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Ông Nguyễn Chí Nhân, ngụ ở ấp Bầu Bền, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên nhận khoán 10ha rừng, trăn trở: “Kinh tế gia đình khó khăn, với mức kinh phí bảo vệ rừng thấp, nên tôi cũng không thể thuê nhân công được”.

Ông Mang Văn Thới, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, các khu rừng gắn với di tích lịch sử, hoạt động du lịch, có nhiều ban, ngành cùng quản lý, khai thác và việc phối hợp còn chưa chặt chẽ.

Thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân phá rừng ngày càng gia tăng còn do cánh rừng Tây Ninh có hơn 216ha bị tư nhân bao lấn, chiếm dụng. Họ phá rừng để tiếp tục bao lấn, lấy đất sản xuất và trồng cao su… Có đối tượng còn manh động thuê nhân công lén đốt rừng để dễ bề lấn chiếm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2014 đến nay, các khu rừng của địa phương đã xảy ra 4 vụ cháy. Bên cạnh đó, trong bảo vệ, chăm sóc rừng, một số hộ nhận khoán tận dụng thời kỳ cây còn nhỏ để trồng xen canh, ngấm ngầm làm cây rừng chậm phát triển, tàn lụi dẫn đến chết. Tại Khu rừng Lịch sử Văn hóa núi Bà Đen, rừng trồng gần 10 năm, nhưng ngày càng tàn lụi, trong khi đó hoa màu, chuối, mãng cầu… xen canh phát triển tốt.

Kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng

Trước tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép diễn ra phức tạp, ông Tạ Văn Đáo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh khẳng định: Để khắc phục, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Kiểm lâm – Biên phòng – Công an – Môi trường, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của nước bạn Cam-pu-chia có quy chế phối hợp tuần tra, kiểm soát để phòng, chống nạn phá rừng, vận chuyển, mua bán gỗ, lâm sản trái phép; tổ chức tốt tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, nhất người dân gần rừng nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng; đầu tư thêm kinh phí, trang thiết bị, công nghệ; bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ rừng cho chủ rừng.

Để bảo vệ rừng, giữ vững kỷ cương pháp luật, tỉnh Tây Ninh nên quy hoạch, xác định lâm phận cụ thể; thu hồi dứt điểm diện tích rừng bị bao lấn, chiếm dụng; phát động quần chúng và các đoàn thể tham gia bảo vệ, phát triển rừng; xử lý kiên quyết, đồng thời tổ chức ký cam kết với các chủ rừng, hộ nhận khoán có trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng, làm rõ những hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm. Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm bảo đảm việc làm, có chính sách hỗ trợ mở rộng ngành nghề cho người dân gần rừng, nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, người dân, chủ nhận khoán để họ hết lòng chăm sóc, bảo vệ rừng.