Gỗ đá “gây hoạ” cho núi rừng

ThienNhien.Net – Nạn khai thác gỗ đá (gỗ hoá thạch) đang trở nên rầm rộ tại dãy núi Chư A Thai thuộc địa bàn huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Những hoạt động khai thác này đã khiến những cánh rừng ở đây có nguy cơ biến mất.

Dưới dòng nham thạch của núi lửa cách đây hàng triệu năm, những cánh rừng cổ thụ ở dãy núi Chư A Thai đã bị chôn vùi và tạo nên loại gỗ hoá thạch (gỗ đá) quý hiếm.

Theo Sài gòn giải phóng ngày 04/05/2010, từ năm 2000, trong khi làm rẫy, người dân xã Chư A Thai đã tìm thấy nhiều khối đá có dạng hình thân cây, bán được giá rất cao. Đến năm 2005, người dân tìm được cây gỗ hóa thạch lớn ở độ sâu hơn 7m, phát hiện đường kính gốc cây 1,4m và có cả khúc rễ to. Ngày nay cây gỗ hóa thạch này được đặt tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, TP Pleiku để phục vụ khách tham quan, du lịch.

Nạn khai thác gỗ hóa thạch ở nơi đây hiện trở nên rầm rộ, trong những thời điểm “nóng” số người vào núi tìm gỗ quý có thể lên đến vài trăm người. Họ đi đến đâu, cây rừng bị tàn phá đến đó, nham nhở những hố bị đào bới. Điều đáng nói là để tìm được một cây gỗ hoá thạch, rừng phải mất đi một diện tích lớn, đất bị đào bới sâu tới cả chục mét.

Theo người dân sống tại  đây, các nhóm khai thác gỗ đá thường có khoảng 15 – 20 người, sau khoảng 2 – 4 ngày đào xới liên tục mới khai thác được một cây gỗ lớn. Mỗi lần phát hiện ra gỗ đá, họ cho xe ủi, xe cẩu đào bới cả ngày đêm.

Gỗ đá được khai thác, buôn bán rầm rộ bởi nó được coi là món đồ trang trí có giá trị, một vật mang lại may mắn, thậm chí có người còn tin rằng nó có tác dụng chữa bệnh.

Việc khai thác bừa bãi gỗ đá, không chỉ làm mất đi nguồn tài nguyên của địa phương và quốc gia mà nó còn làm thiệt hại nghiêm trọng đến những cánh rừng, thay đổi cảnh quan môi trường, đường xá bị cầy xới – nắng thì bụi, mưa thì bùn. Những tai nạn sập lún, đá rơi cũng luôn rình rập cư dân đào bới trộm, đe doạ tính mạng họ. Nhiều hộ dân quanh khu vực khai thác rất bức xúc khi những cái hố sâu hoắm được bỏ lại sau khi gỗ được đào lên, khiến cho không ít trâu, bò của họ rơi xuống hố chết.

Tuy xã Chư A Thai đã có lệnh nghiêm cấm khai thác và cho người tuần tra song dòng người lén lút đào bới, khai thác gỗ đá vẫn chưa ngừng.