Nghèo đói gia tăng theo giá lương thực

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh chi phí nhiên liệu ngày càng cao cùng với những biến động xảy ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, giá lương thực toàn cầu cũng theo đó tăng lên nhanh chóng và khó lòng kiểm soát, thậm chí mức tăng đã lên tới 36% so với 1 năm trước. Điều này đã trực tiếp đẩy nhiều người vào tình trạng nghèo đói.

Nhìn từ thế giới…

Theo Chỉ số giá lương thực của Ngân hàng Thế giới (WB), công cụ đo lường giá lương thực toàn cầu, giá lương thực trên thế giới hiện đã tăng 36% so với thời điểm cách đây 1 năm và gần chạm tới mốc tăng cao nhất năm 2008. Trong đó, các nông sản tăng giá mạnh nhất bao gồm ngô (74%), lúa mỳ (69%), đậu tương (36%) và đường (21%) mặc dù giá gạo vẫn giữ mức ổn định. Ở nhiều quốc gia, giá rau quả, thịt các loại và dầu ăn tiếp tục tăng, mang theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với nguồn dinh dưỡng cho người nghèo.

“Chính vì giá lương thực cao và không ổn định, người nghèo trở nên nghèo hơn và cũngkhiến nhiều người chưa nghèo có nguy cơ cao lâm vào cảnh nghèo đói. Chúng ta phải đặt vấn đề lương thực lên hàng đầu và bảo vệ những người nghèo, những người dễ bị tổn thương khỏi rơi vào tình trạng phải chi quá nhiều tiền để lo cái ăn”, Chủ tịch WBG, ông Robert B. Zoellick phát biểu.

Nghiên cứu mới của WB về giá lương thực mang tên Food Price Watch (Theo dõi Giá Lương thực) chỉ rõ giá lương thực cứ tăng thêm 10% có thể làm cho thêm 10 triệu người sống dưới ngưỡng đói nghèo cùng cực (với 1,25 đô la/ngày), còn khi giá lương thực tăng 30% có thể dẫn tới việc có thêm 34 triệu người nghèo. Những con số này lại được cộng gộp vào tổng số 44 triệu người bị rơi vào cảnh nghèo đói do sự tăng giá đột ngột kể từ tháng 6 năm ngoái. Theo ước tính của WB, thế giới hiện có khoảng 1,2 tỷ người đang sống dưới ngưỡng đói nghèo cùng cực.

Cũng theo nghiên cứu trên, các nước nghèo đã trải qua tình trạng lạm phát lương thực nặng nề hơn các nền kinh tế có thu nhập cao hơn. Đơn cử như ở Cộng hòa Kyrgyzstan, nơi 10% số người nghèo nhất phải sử dụng 73% thu nhập vào việc trang trải bữa ăn hàng ngày, mức lạm phát giá lương thực năm 2010 là 27%, khiến số người đang sống ở mức nghèo đã tăng lên khoảng 11 điểm phần trăm (percentage point).

Tình trạng giá lương thực và giá dầu tăng cao đặt thêm gánh nặng lên vai những người nghèo (Ảnh minh họa: Visionsofanothertime.wordpress.com)

Giá lương thực tăng liên tục xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, như do thời tiết khắc nghiệt (xảy ra chủ yếu ở các quốc gia coi xuất khẩu lúa gạo là hoạt động mũi nhọn), những hạn chế về xuất khẩu, lạm dụng nông sản trong sản xuất nhiên liệu sinh học và quỹ dự trữ lương thực quốc tế còn thấp.

… đến khu vực châu Á

Theo báo cáo Global Food Price Inflation and Developing Asia (Cuộc lạm phát giá lương thực toàn cầu và các nước châu Á đang phát triển) mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, sự gia tăng của giá lương thực toàn cầu trong hai tháng đầu năm 2011 đang tiếp tục đẩy hàng triệu người tại châu Á vào cảnh đói nghèo.

Báo cáo còn cho biết thêm, việc gia tăng nhanh chóng và liên tục về giá cả nhiều mặt hàng lương thực chủ lực ở châu Á từ trung kỳ năm 2010, đi đôi với mốc tăng đỉnh điểm trong suốt 31 tháng của giá dầu thô hồi tháng 3 vừa qua là bước thụt lùi của một châu lục đang trên con đường hồi sinh nhanh và mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Đầu năm 2011, tỷ lệ lạm phát giá lương thực tại nhiều nền kinh tế trong khu vực trung bình là 10%. Nghiên cứu của ADB chỉ rõ tăng 10% giá lương thực nội địa ở châu Á – ngôi nhà chung của 3,3 tỷ người – đồng nghĩa với việc có thêm 64 triệu người phải sống trong cảnh cực nghèo (chỉ với 1,25 đô la/ngày).

“Hiện những gia đình nghèo tại đây phải chi tới trên 60% thu nhập để mua lương thực. Khi giá lương thực cao hơn thì khả năng chi trả phí khám chữa bệnh và học phí cho con cái của họ sẽ càng giảm sút”, ông Changyong Rhee, Trưởng ban Kinh tế ADB cho biết. Ông cũng khẳng định, nếu không kịp thời ngăn chặn, khủng hoảng lương thực sẽ hủy hoại dần những thành quả giảm nghèo mà châu Á đã đạt được.

Nghèo đói song hành cùng sự leo thang của giá lương thực (Ảnh minh họa: Npaphistory.wikispaces.com)

Mặc dù Chính phủ các nước châu Á đã áp dụng nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm giảm bớt tác động của lạm phát giá lương thực, trong đó có cả giải pháp bình ổn giá, song do nhu cầu lương thực đang tăng ở các nước đang phát triển và sản lượng lương thực có chiều hướng thấp đi, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tập trung vào các giải pháp dài hạn, tương lai mới mong đẩy lùi được khủng hoảng.

Trường hợp giá lương thực và giá dầu trên thế giới như đã thấy trong thời kỳ đầu năm 2011 vẫn tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực có thể bị sụt giảm tới 1,5 điểm phần trăm.

Hướng giải quyết

WB cho rằng các giải pháp giúp giảm tác động của tình trạng giá lương thực cao đối với người nghèo phải đặt tập trung vào các trợ cấp xã hội và những chương trình dinh dưỡng dành cho nhóm người nghèo nhất, dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu lúa gạo, cũng như nới lỏng sức ép về nhiên liệu sinh học khi giá lương thực vượt quá ngưỡng cho phép.

Việc củng cố năng lực quản lý, kiểm soát giá cả thông qua các công cụ của thị trường tài chính, dự báo thời tiết chính xác hơn, đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, lựa chọn những công nghệ mới như tạo ra nhiều giống lúa đem lại nguồn dinh dưỡng dồi dào hơn và những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần thiết không kém.

Thời gian gần đây, WBG đã có một hướng tiếp cận đa chiều nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp và an ninh lương thực.

Xét về ngắn hạn, Chương trình Ứng phó với Khủng hoảng Lương thực Toàn cầu (GFRP) của WB sẽ chi 1,5 tỷ đô la để giúp đỡ 40 triệu người nghèo. Khoảng hơn 40 nước có thu nhập thấp đang hoặc sẽ nhận được hỗ trợ về cải tiến giống, tạo giống mới, tưới tiêu và nhiều hỗ trợ khác. Với những người dễ bị tổn thương nhất, WB sẽ tiến hành hỗ trợ lương thực.

Còn về lâu dài, WBG sẽ đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp. Nếu năm 2008, con số đầu tư của WBG là 4,1 tỷ đô la thì tương lai, con số này sẽ lên tới khoảng 7 tỷ đô la.

Riêng với tình trạng ở châu Á, theo khuyến nghị của ADB, cần phải dẹp bớt các hoạt động đầu cơ tích trữ lương thực, đẩy mạnh hội nhập thị trường và loại bỏ những bất hợp lý trong chính sách – yếu tố tạo nên rào cản trong việc chuyển lương thực từ nơi dư thừa đến nơi thiếu thốn.

Cùng với đó, báo cáo của ADB còn nhấn mạnh ý nghĩa của sự hợp tác giữa các quốc gia châu Á trong mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực. Và cam kết thành lập một hệ thống dự trữ gạo khẩn cấp ở quy mô khu vực thuộc Chương trình khung về An ninh Lương thực Tổng hợp ASEAN (AIFS) do 10 thành viên ASEAN triển khai chính là một bước tiến tích cực theo hướng đi trên.

Vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ: 

– Chương trình An ninh Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu (GAFSP), được G20 thành lập vào tháng 4/2010, ủng hộ nền nông nghiệp ở các nước coi nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, ủng hộ các kế hoạch về an toàn lương thực; tăng nguồn đầu tư cho các tá điền nhỏ. Kể từ thời điểm bắt đầu khởi xướng, GAFSP đã cấp các khoản viện trợ trị giá 321 triệu đô la cho 8 nước: Bangladesh, Ethiopia, Haiti, Mongolia, Niger, Rwanda, Sierra Leone và Togo. 17 nước tiếp theo đã chuẩn bị kế hoạch đầu tư để nhận viện trợ từ GAFSP.

– Đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp thông qua Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR).

– Quản lý mậu dịch nông nghiệp nhằm xác định được nguy thiếu hụt lương thực tiềm ần.

– Phối hợp với các cơ quan Liên Hợp quốc thông qua Nhóm Đặc nhiệm Cấp cao về Khủng hoảng Lương thực Toàn cầu (HLTF) và với các tổ chức phi chính phủ (NGOs).

– Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã tăng cường đáng kể các khoản đầu tư vào khu vực nông nghiệp, cung cấp gần 2 tỷ đô la (năm 2010) cho chuỗi cung ứng thực phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng thanh khoản trong các dây chuyền cung ứng, củng cố hậu cần và phân phối cũng như tăng sự tiếp cận tín dụng cho các tá điền nhỏ.

Đồng thời, WBG cũng sẽ ủng hộ các giải pháp mở rộng hơn nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho những nhóm người dễ bị tổn thương. Thông qua các chương trình mạng lưới an toàn, chẳng hạn như tạo điều kiện về tài chính, Ngân hàng đã cung cấp 2,3 triệu bữa ăn/ngày tại trường học cho trẻ em ở các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, WB đang tích cực làm việc với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cung cấp lương thực cho 22 triệu trẻ em ở 70 quốc gia. Nhìn lại thập kỷ qua, WB đã hỗ trợ cho 98 triệu trẻ được sử dụng Vitamin A, được tẩy giun và tuyên truyền khá hiệu quả về phương pháp cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.