Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú ở Thanh Hóa

ThienNhien.Net – Từng được xem là giải pháp thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình ở Thanh Hóa nhưng hiện nghề nuôi tôm sú ở nơi đây đang gặp nhiều khó khăn, khiến năng suất, sản lượng giảm và đẩy nhiều hộ vào cảnh nợ nần, túng bấn.


Tìm hiểu về vấn đề này, ông Lê Đức Giang, cán bộ Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của nghề nuôi tôm sú. Đây là nghề vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chỉ cần một thay đổi nhỏ về thời tiết, nhiệt độ, môi trường nước… cũng có thể gây bất lợi cho việc nuôi tôm.

 Với 102 km bờ biển và 7 cửa lạch ăn sâu vào đất liền, Thanh Hóa có đến hơn chục ngàn ha bãi bồi, mặt nước, có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 6.000 ha có thể sử dụng để nuôi tôm sú.

Ngoài ra, môi trường nước bị ô nhiễm, công tác quy hoạch vùng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi, khả năng đầu tư còn hạn chế, hệ thống dịch vụ kỹ thuật yếu và thiếu, chưa có biện pháp xử lý với các vấn đề về dịch bệnh… cũng là nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm càng lụi bại dần.

Để giúp nghề nuôi tôm sú phát triển bền vững, tương ứng với tiềm năng vốn có, tác giả Lê Đức Giang cho rằng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp cụ thể về cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho con tôm… Trước mắt cần thực hiện ngay như: Rà soát, kiểm tra công tác quy hoạch; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm; thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống và dịch bệnh; cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng đầm nuôi; liên kết với các cơ sở chế biến để tìm và phát triển đầu ra cho con tôm.