Ứng dụng công nghệ vi sinh làm phân bón ở Hội An

ThienNhien.Net – Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tiến công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bằng cách sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông nghiệp, góp phần hạn chế địch hại đối với cây trồng; vừa qua ngành nông nghiệp Hội An đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh phân hủy rơm rạ để làm phân bón tại hai hộ nông dân Huỳnh Thu (thôn Trà Quế) và Trang Quốc Kim (thôn Trảng Kèo), xã Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam.

Nguyên liệu để làm 1 tấn phân hữu cơ vi sinh gồm phế thải có nguồn gốc từ cây xanh (khoảng 5-8 tạ), phân chuồng (khoảng 2-5 tạ) và chế phẩm sinh học EMUNIV (2 gói 200g).

Để trộn đều 1 gói chế phẩm EMUNIV 200g cho 0,5 tấn nguyên liệu ủ, cách làm như sau: Chia đều chế phẩm và lượng phân, rác thành 6 phần. Cho 1 phần chế phẩm vào bình phun nước khuấy đều. Cứ 1 lớp (phần) phân rác thì tưới 1 phần chế phẩm rồi cào đều. Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành cả 6 phần. Nếu nguyên liệu khô có thể tưới thêm nước, lượng nước tuỳ thuộc vào nguyên liệu ướt hay khô, bảo đảm độ ẩm từ 45-50 %.

Sau khi ủ xong, che đậy đống ủ bằng bạt, bao tải hoặc nilông, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào đống ủ, bảo đảm nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40-50 độ C. Khoảng 7-10 ngày tiến hành kiểm tra, đảo trộn và nếu nguyên liệu khô thì bổ sung nước. Sau 20 – 25 ngày ủ, nguyên liệu đã phân hủy thành phần có thể dùng để bón cho cây trồng.

Để đánh giá hiệu quả, chất lượng của phân bón được tạo ra bằng công nghệ vi sinh, những người thực hiện mô hình đã thí nghiệm bón phân cho hai loại cây trồng là xà lách và hành hương tại làng rau Trà Quế. Kết quả thử nghiệm cho thấy cây phát triển tốt hơn so với mẫu đối chứng về mật độ gieo trồng, bộ lá xanh, mượt, cây cao, chắc khoẻ và đặc biệt là đã hạn chế được nấm bệnh cho cây trồng .

Theo anh Lê Ngọc – cán bộ Trạm Khuyến nông Khuyến lâm Hội An, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây trồng cũng sẽ góp phần hạn chế bệnh thối nhũn trên cây con.

Ông Nguyễn Văn Giỏi, xã Cẩm Hà cho biết : “Từ trước đến nay người nông dân chỉ quen sử dụng phân hóa học để bón cho lúa, vừa ít tốn công lại vừa ít tốn thời gian. Tuy nhiên việc sử dụng phân hóa học cũng sẽ làm xấu đất. Hiện nay phân chuồng được người nông dân mua để bón cho hoa cây cảnh với giá từ 500 – 600.000 đồng cho 1 xe công nông. Việc áp dụng mô hình xử lý phế thải nông nghiệp làm phân hữu cơ vi sinh sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm”. Ông cũng đề nghị cần nghiên cứu xử lý rác thải là lá cây ở Cẩm Hà nói riêng và các vùng nông thôn của thành phố nói chung làm phân bón thay vì vận chuyển lên bãi rác của thành phố.

Để áp dụng có hiệu quả mô hình này, nhiều nông dân cũng đề nghị ngành nông nghiệp nên tiến hành việc xử lý rơm rạ làm phân bón ngay tại ruộng, ngay sau vụ Đông Xuân để tạo nguồn phân bón lót cho lúa trong vụ hè thu; đồng thời cung ứng chế phẩm sinh học để nông dân chủ động trong việc xử lý.

Theo ông Lê Hữu Hùng, phó phòng Kinh tế Hội An, việc ứng dụng phân bón vi sinh từ xử lý phế thải nông nghiệp là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh thành phố đang hướng đến một nền nông nghiệp đô thị sinh thái, do đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu để loại phân bón này không chỉ sử dụng đối với cây lúa đối, mà còn áp dụng với nghề trồng hoa cây cảnh của thành phố.

Trong tương lai, ngành nông nghiệp Hội An cũng sẽ quan tâm xây dựng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuât nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi đề án xây dựng thành phố sinh thái.


Xà lách bón bằng phân chuồng và rong.

 
 Xà lách bón bằng phân hữu cơ vi sinh.

Đối chứng việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh tạo ra từ mô hình phân hủy rơm rạ và sử dụng phân truyền thống trên cây xà lách Trà Quế (Hội An). (Ảnh: TT Khuyến nông Khuyến ngư QG)