"Giải cứu" miền đất khát (Phần 1)

ThienNhien.Net – Nước là phần tất yếu của cuộc sống! Ấy vậy mà phần “tất yếu” của cuộc sống ấy trên các huyện cao nguyên núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ lại không thể là tất yếu được. Bởi, với cao nguyên đá, mùa khô kéo dài từ 3 đến 4 tháng (bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) và nhu cầu nước sinh hoạt phục vụ đời sống và sản xuất đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với các huyện cao nguyên đá Hà Giang.

Cao nguyên đá mùa khô hạn

Điều làm đoàn chúng tôi áy náy mãi là hình ảnh các thầy cô giáo trường cấp 1, 2 xã Tả Lủng huyện Đồng Văn trách khéo: “Thật tiếc, không biết các anh, chị có xe ô tô vào xã để nhờ chở mấy can nước uống từ ngoài huyện vào, tiếc quá anh ạ”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Giang, Phó hiệu trưởng trường cấp 1,2 Tả Lủng phân trần với tôi : “Giá như không phải mua 8.000 đồng một can nước thì mỗi ngày trường có thêm được 64.000 đồng mua thêm rau xanh vào bữa ăn cho các em học sinh bán trú”.

Thầy còn cho biết bình quân mỗi ngày nhà trường dùng hết 8 can nước loại 20 lít để đảm bảo nhu cầu nước nấu ăn, nước uống cho thầy và trò. Giá như và giá như! Câu nói ấy của thầy giáo Giang làm tôi ám ảnh mãi về miền đất khắc nghiệt này.

Mà chung cả cao nguyên đá là thế, thiếu nước sinh hoạt đâu chỉ có riêng Tả Lủng.

Chúng tôi đến bản Xả Lủng xã Tả Lủng huyện Đồng Văn, thấy cảnh thiếu nước đối với người dân nơi đây thực sự gian khổ. “Nước ăn còn không đủ chứ nói gì đến tắm giặt hở các chú” Ông Thào Mí Giàng phân trần với tôi. Nhìn mấy đứa cháu của ông do lâu ngày không được tắm, ghét cáu lại trên tay, chân trông thật thương.

Biết làm sao được, tất cả là thiếu nước mà. Ông Giàng xua xua tay gạt những sợi tóc bạc trên trán, rồi buông lời: “Cao nguyên mùa khô hạn là vậy, nhưng đồng bào mình mãi không bỏ cao nguyên mà đi đâu. Đến mùa mưa cao nguyên lại hồi sinh mà”.

Lên cao nguyên đá vào mùa khô bạn mới thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên và khắc nghiệt hơn cả đó chính là thiếu nước. Tài nguyên nước ở cao nguyên đá không nhiều, nhất là vào những tháng mùa khô. Đây quả là một thách thức đối với người dân trên cao nguyên đá. Việc thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất là một bài toán hết sức nan giải.

Tới nhiều xã của hai huyện vùng cao núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ thấy đá bạt ngàn. Cảnh thiếu nước sinh hoạt luôn hiện hữu khắp vùng cao nguyên. Thực tế có trên 90% đồng bào vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Tỉnh Hà Giang đã thực sự cố gắng trong việc giải quyết nước sinh hoạt bằng cách hỗ trợ các gia đình xây bể trữ nước. Tuy nhiên, liệu pháp này vẫn chỉ là bể chứa nước, chưa đáp ứng được việc cung cấp nước, bởi nguồn nước nơi cao nguyên đá quá ít vào những tháng mùa khô.

Chiều tà, trên đường về phố thị, đi trên những cung đường quanh co. Tôi thấy, duy chỉ có những cây cải đắng mọc trên những hốc đá vẫn lên xanh trong những cơn gió đông lạnh lẽo. Tôi tự nhủ, cao nguyên đá không hẳn đã khô hạn. Bằng chứng là cây cải vẫn lên xanh đấy thôi. Anh Phạm Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang nói với tôi: “Cao nguyên đá mùa khô hạn đã được giải quyết một phần rất lớn rồi. Tất cả là nhờ nguồn nước Karst lộ thiên đấy”.