“Đại điền chủ” trên cánh đồng Tám Ngàn

ThienNhien.Net – Bằng quyết tâm “cải thiên mệnh”, ông Nguyễn Lại Đức đã trở thành tỷ phú khi biến “vùng đất chết” Tám Ngàn ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) thành cánh đồng lúa trù phú, trĩu hạt.

Ông Đức kể, giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, theo phong trào kinh tế mới, nông dân các nơi đổ về đây nhận mỗi hộ 3 ha đất để trồng lúa. Nhưng ngày đó, lúa chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, hiếm lắm mới đạt năng suất 4 tấn/ ha, nông dân quần quật cả vụ, may lắm là huề vốn, còn thường thì thất bát. Sau vài vụ trồng lúa thua “te tua”, nhiều hộ lâm nợ, kêu bán đất với giá rẻ như cho.

Thấy đất ruộng rẻ như bèo, ông Đức suy tính để rồi quyết định liều một phen. Thế là, ông vào Lương An Trà mua gần 10 công ruộng trồng lúa thử.
Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, ông Đức tìm đến cán bộ nông nghiệp hoặc những nông dân từng trồng lúa thất bại để học hỏi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm. Theo đó, ông biết được nguyên nhân thất bại chủ yếu là do kỹ thuật canh tác, chứ không phải chỉ do đất phèn không trồng được lúa. Khi khảo sát thực địa, ông thấy đất ở đây là rừng tràm ngày trước, nên độ mùn trong đất rất cao.

Nhờ tìm được bí quyết, ngay vụ trồng thử nghiệm vào năm 1997, lúa trên ruộng ông Đức đã cho năng suất chưa từng có: 5 tấn/ha. Liên tiếp các vụ sau lúa đều trúng mùa. Thấy vậy, ông Đức bắt đầu mua và tích tụ ruộng đất để mở rộng diện tích trồng lúa. Đến nay, ông đã có trong tay trên 700 công (70 ha) đất.

Thắng nhiều vụ lúa liên tục, ông Đức càng mạnh tay đầu tư vốn vào trang bị máy móc, nhằm cơ giới hóa toàn bộ qui trình sản xuất. Hiện, trang trại của ông Đức gần như hoàn chỉnh thành một mô hình sản xuất khép kín với đủ các loại máy từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, như: máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa, nhà kho…

Gần đây, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho ông mượn một máy san đất bằng tia lazer. Nhờ đó, đất ruộng được dọn phẳng như “tấm ván ngựa”, tiết kiệm được chi phí nước tưới. Canh tác theo phương pháp “ba giảm, ba tăng” và áp dụng phương pháp sạ hàng cũng đã giúp ông giảm chi phí sản xuất đáng kể.

Vụ lúa đông xuân vừa qua, trên 700 công đất của ông chưa phải tốn đồng bạc nào cho việc phun thuốc trừ rầy, ông Đức hồ hởi nói. Cũng nhờ cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng phương pháp canh tác tiên tiến, nên mấy năm nay, năng suất lúa bình quân mà ông Đức đạt được luôn ở mức 10 tấn/ha.

Tuy đã có trang trại đồ sộ với mức độ cơ giới hóa bậc nhất tỉnh An Giang, thu nhập ròng hàng tỷ đồng mỗi vụ lúa, nhưng ông Đức vẫn chưa an tâm, khi hạt lúa từ trang trại ông và của nhiều nông hộ khác vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

”Nhiều năm qua, nông dân mình cứ hay gặp cảnh trúng mùa thì rớt giá, trúng giá lại mất mùa. Hiếm khi hai cái này đi song song với nhau. Cả tỉnh mà chỉ có vài ba người làm giàu từ cây lúa như ông thì kinh tế địa phương sẽ khó phát triển nhanh”, ông Đức tâm sự.

Vì thế, khi đã trở thành ông chủ lớn trên cánh đồng Lương An Trà, ông Đức vẫn cảm thấy cần liên kết với nhiều nông dân khác để tổ chức sản xuất lớn.

Ông Đức chia sẻ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không phải là quá khó. Bởi chỉ một mình ông đã có thể trang bị nhiều chiếc máy gặt, máy bơm, máy cấy… có giá hàng trăm triệu đồng. Nếu Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân vào làm ăn tập thể thì chuyện hợp tác mua sắm phương tiện sản xuất sẽ dễ dàng hơn.

Còn một chuyện khác mà ông Đức và nhiều bà con nông dân vẫn chưa an tâm là việc tổ chức lại sản xuất như thế nào. “Để đi lên sản xuất lớn thì Nhà nước cần quy hoạch lại vùng canh tác. Nơi nào phù hợp trồng lúa thì quy hoạch trồng lúa, nơi nào phù hợp nuôi cá thì quy hoạch nuôi cá. Trong quá trình vận động người dân hùn vốn, góp đất vào làm ăn tập thể, sẽ có những hộ không đủ điều kiện làm ăn theo kiểu hợp tác. Khi đó, Nhà nước có thể lên phương án “dồn điền đổi thửa” để có diện tích lớn. Có diện tích lớn thì mới dễ hiện đại hóa sản xuất, cho ra hàng “xịn”, dễ bán” – ông Đức khẳng định.

Có lẽ vì chưa an tâm, nên dù đang nắm trong tay một trang trại trồng lúa 700 công, cho phẩm chất gạo khá vượt trội, nhưng vụ đông xuân vừa rồi, ông Đức vẫn phải “năn nỉ” Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (ANGIMEX) để thỏa thuận hợp đồng trồng và được bao tiêu 7 ha lúa Nhật. Ông bảo đó là cách dự phòng để khi thị trường ứ đọng như mấy vụ trước, thì cũng còn đường gỡ gạc.

Ông Vũ Quang Cảnh – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang – nhận xét: Mô hình tích tụ ruộng đất của ông Đức rất lý tưởng trong việc đi lên nền sản xuất lớn. Ở đó, quá trình cơ giới hóa rất hiện đại, có thể nói là thuộc hàng bậc nhất tỉnh. Chi cục đang chọn nơi đây làm mô hình điểm, để rút tỉa kinh nghiệm nhân rộng trong thời gian tới.