Vai trò của tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong vấn đề xung đột

ThienNhien.Net – Các nhân tố môi trường hầu như không bao giờ là nguyên nhân duy nhất của mâu thuẫn và bạo lực. Cùng với nó, tư tưởng phân biệt chủng tộc, điều kiện kinh tế bất lợi, giao thương quốc tế hạn chế và mâu thuẫn giữa các quốc gia láng giềng cũng là những nguyên nhân chủ đạo, có quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, có thể thấy rõ ràng rằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và các áp lực môi trường có liên quan có thể biến thành những nguyên nhân quan trọng gây xung đột.

Khi dân số thế giới ngày càng tăng thì nhu cầu về tài nguyên ngày càng lớn, khả năng xảy ra xung đột vì tài nguyên thiên nhiên ngày càng mạnh. Nhiều chuyên gia dự đoán trong những năm tới áp lực dân số, đô thị hoá và các vấn đề về quyền tiếp cận đất đai không công bằng, thiếu đất trồng trọt, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn, để lại những hệ quả sâu sắc lên sự bền vững của hệ thống môi sinh ở cả đô thị và nông thôn.
 
Bên cạnh đó, những hậu quả tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, an ninh lương thực, sự lan tràn của bệnh dịch, mực nước biển và mật độ dân cư cũng ngày càng được xem là những mối đe doạ đối với an ninh quốc tế, làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có và châm ngòi cho những mâu thuẫn mới.

Mối liên hệ giữa tài nguyên thiên nhiên, môi trường và xung đột đa dạng và phức tạp, nhưng có ba hướng cơ bản sau đây:


Góp phần vào sự bùng nổ xung đột


Rất nhiều quốc gia hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức phát triển có liên quan đến việc sử dụng và sự phân phối nguồn lực tự nhiên. Về căn bản, căng thẳng bắt nguồn từ các yêu sách đối ngược nhau của các nhóm lợi ích xung quanh nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Trong một vài trường hợp, chính sự thất bại của các chính phủ trong việc giải quyết những mâu thuẫn này một cách công bằng đã dẫn đến sự hình thành những nhóm thiểu số ở vào thế bất lợi và cuối cùng dẫn đến xung đột. Trong những trường hợp khác, nguồn gốc của vấn đề nằm ở sự khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Các nghiên cứu và các quan sát hiện trường đã chỉ ra rằng tài nguyên thiên nhiên và môi trường góp phần vào sự bùng phát xung đột theo 3 cách.


Cách thứ nhất, xung đột diễn ra ở khâu phân chia của cải xã hội có được từ các tài nguyên giá trị cao như khoáng sản, kim loại, đá, các chất có nguồn gốc hydrocacbon (như dầu mỏ, khí đốt) và gỗ. Sự phong phú các tài nguyên giá trị cao, cùng với sự nghèo đói cùng cực hoặc/và sự thiếu những cơ hội mang lại những dạng thu nhập khác đã tạo nên động cơ cho các nhóm lợi ích nỗ lực giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ giàu tài nguyên. Khả năng gây ra xung đột của những tài nguyên thiên nhiên có giá trị phụ thuộc phần lớn vào giá trị thị trường của chúng.
 
Cách thứ hai, mâu thuẫn cũng có thể bùng phát từ việc sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm như đất đai, rừng, nước và động vật hoang dã. Cụ thể hơn, mâu thuẫn bùng phát do nhu cầu của địa phương đối với tài nguyên vượt quá khả năng cung cấp. Điều này có thể là do sự thiếu hụt sẵn có của các nguồn tài nguyên hay do sự quản lý của chính phủ, đặc biệt là trong quá trình phân phối. Nhu cầu của dân cư vượt quá nguồn cung tài nguyên thường đi kèm với áp lực dân số và các thảm họa như hạn hán và lũ lụt. Nếu các nhóm lợi ích ở những quốc gia này không hạn chế đến mức tối đa những yêu sách đối lập của họ, những căng thẳng này có thể dẫn tới sự di dân áp đặt hoặc tình trạng bạo lực. Cuộc nội chiến Darfur đã minh họa một cách sinh động quá trình mà sự mất đi nhanh chóng của đất trồng, cùng với sự gia tăng nhanh không kém của dân cư và số lượng gia súc đã góp phần đẩy đất nước này vào vòng chiến tranh như thế nào.
 
Cách thứ ba, các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu một giỏ hàng hóa nhỏ, mà chủ yếu là hàng hóa thô thường có xu hướng dễ khủng hoảng về mặt chính trị. Không chỉ giá trị tài nguyên của họ phụ thuộc vào giá cả lên xuống thất thường của thị trường toàn cầu, mà họ còn có thể gặp khó khăn khi muốn gia tăng giá trị cho hàng hóa thô xuất khẩu hoặc tạo thêm việc làm. Hơn nữa, những chính phủ mà nguồn thu ngân sách thu được nhờ xuất khẩu các hàng hóa hơn là từ thuế có xu hướng liên kết với nhau do nhu cầu của chính họ. Sự lên giá của đồng tiền,việc quản lý ngân sách không minh bạch và nạn tham nhũng hoành hành đã phát triển ở nhiều quốc gia giàu tài nguyên. Điều này được biết đến với cái tên “lời nguyền tài nguyên”.
 
Điểm chung của ba tình huống này là sự yếu kém của chính phủ các quốc gia đang phát triển trong việc giải quyết những mâu thuẫn bắt nguồn từ tài nguyên một cách hòa bình và công bằng. Thực tế, các mâu thuẫn do tài nguyên thiên nhiên và môi trường chủ yếu là tấm gương phản ánh những thất bại của hoặc sự kém năng lực chính phủ. Trước nhu cầu tài nguyên ngày càng  gia tăng, kết luận này nhấn mạnh đến nhu cầu đầu tư hiệu quả hơn vào quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
 
Hỗ trợ tài chính và duy trì mâu thuẫn
 
Bất chấp việc tài nguyên thiên nhiên có đóng một vai trò nhân – quả nào trong các mâu thuẫn đang diễn ra hay không, chúng vẫn góp phần kéo dài và dung dưỡng bạo lực. Đặc biệt, các nguồn tài nguyên có giá trị có thể bị lợi dụng để tạo ra nguồn vốn nhằm tài trợ cho các lực lượng vũ trang và việc mua sắm vũ khí. Khai thác những tài nguyên này trở thành một mục tiêu chiến lược của các chiến dịch vũ trang, và do đó kéo dài sự tồn tại của nó.
 
Trong vòng 20 năm trở lại đây, có ít nhất 18 cuộc nội chiến được châm ngòi do khai thác tài nguyên thiên nhiên. Kim cương, gỗ, khoáng sản và ca cao đã bị các nhóm vũ trang của Liberia, Sierra Lenone, Angola và Campuchia khai thác. Trên thực tế, sự tồn tại của những tài nguyên thiên nhiên dễ khai thác không chỉ khiến tình trạng nổi loạn trở nên dễ xảy ra hơn (và do đó, dễ có chiến tranh hơn) mà có thể khơi lên những động cơ của xung đột bằng cách khuyến khích những người tham chiến hướng các hoạt động vào việc bảo vệ nguồn tài sản giúp họ duy trì và tăng cường khả năng chiến đấu. Có thể nói, những lợi ích trước mắt này có thể thay đổi hệ tư tưởng của những người tham chiến, biến chiến tranh và nổi loạn thành một hoạt động kinh tế hơn là một hoạt động chính trị, trong đó bạo lực được sản sinh từ lòng tham hơn là sự bất bình.
 
Phá hủy tiến trình hòa bình
 
Các động cơ kinh tế liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị có thể ngăn cản quá trình hóa giải mâu thuẫn và làm phức tạp thêm các nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Khi triển vọng của một hiệp định hòa bình xuất hiện, các cá nhân hay các nhóm lợi ích, những người có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ khai thác tài nguyên, có thể hành động chống lại những nỗ lực hòa bình. Thực tế, đây là một rào cản chính. Đồng thời, sự khai thác tài nguyên thiên nhiên có thể phá hủy những sự hợp nhất về mặt chính trị một cách chính đáng bằng cách cung cấp những động lực kinh tế củng cố thêm chia rẽ chính trị, ngay cả khi một hiệp định hòa bình được thực thi,.