Thừa Thiên Huế: Nuôi trồng thuỷ sản theo mô hình xen ghép đạt hiệu quả cao

ThienNhien.Net – Thừa Thiên Huế đã đưa gần 3.500 ha mặt nước vùng ven đầm phá Tam Giang vào nuôi trồng thuỷ sản; trong đó có 1/2 diện tích nuôi theo hình thức xen ghép: nuôi tôm kết hợp với nuôi cá rô phi, cá dìa, cá kình; hoặc mô hình nuôi cá đối, cá kình và nuôi tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, việc nuôi tôm kết hợp các hình thức nuôi xen ghép góp phần làm sạch môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh.

Hiện, toàn tỉnh đã thu hoạch đạt hơn 90% diện tích, sản lượng thu hoạch đạt 2.300 tấn tôm, 540 tấn cá, gần 100 tấn cua, ghẹ. Huyện Phú Vang đạt sản lượng thu hoạch 1.370 tấn tôm, 180 tấn cá, gần 50 tấn cua, ghe. Dù đang là thời kỳ thu hoạch rộ, nhưng giá tôm tại địa bàn hiện vẫn ổn định từ 82.000 – 87.000 đồng/kg (loại 40 con/kg).

Theo kết quả điều tra mới nhất tại 2.039 hộ với 2.460 ha nuôi tôm của các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, hơn 82,8% hộ nuôi trồng thuỷ sản (trong đó chủ yếu là nuôi tôm) có lãi do kết hợp các mô hình nuôi tôm xen ghép, áp dụng các biện pháp làm sạch nền đáy ao.

Thừa Thiên- Huế có hơn 22.000 ha mặt nước vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Tỉnh đã đầu tư 8,7 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm. Tỉnh hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổng quan nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2010 cho 5 huyện ven biển và đầm phá gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; trong đó hoàn thành việc quy hoạch chi tiết về nuôi tôm trên cát cho hai huyện Phong Điền và Phú Vang.

Các địa phương trong vùng hiện đã xây dựng 27 chi hội nghề cá với hơn 1.600 hội viên thường xuyên hoạt động giúp đỡ nhau trong hợp tác làm ăn. Ở các vùng nuôi tôm, bà con đã hình thành các tổ tự quản, tự lo kinh phí cho các tổ hoạt động. Tổ tự quản có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên địa bàn, kiểm tra, kiểm soát không cho người nuôi thả tôm giống chưa qua kiểm dịch xuống ao nuôi. Khi phát hiện mầm bệnh tôm trong các ao nuôi xuất hiện, các tổ tự quản tập trung khống chế, xử lý không cho thải nước ra ao nuôi chung để tránh lây lan…/.