Châu Âu là trung tâm buôn bán các loài hoang dã nằm trong danh sách CITES

Tổ chức TRAFFIC vừa công bố báo cáo cung cấp thông tin tổng quan về tất cả các vụ thu giữ động vật hoang dã nằm trong danh sách CITES được các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cập nhật trong năm 2022. Báo cáo cho thấy EU là trung tâm buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã được bảo vệ.

Báo cáo do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ, tiến hành việc phân tích 3.600 vụ tịch thu động vật hoang dã ở châu Âu trong năm 2022 được báo cáo bởi những người dùng nền tảng thực thi EU-TWIX do TRAFFIC quản lý.

Ảnh minh họa: TRAFFIC
EU-TWIX là kênh trao đổi thông tin buôn bán động vật hoang dã đầu tiên được TRAFFIC triển khai. Hiện tại, các cán bộ thực thi từ tất cả các quốc gia thành viên EU và 12 quốc gia lân cận đều tham gia vào nền tảng này, với gần 1.400 cán bộ được kết nối và cơ sở dữ liệu chứa thông tin về hơn 86.000 vụ tịch thu động vật hoang dã. EU là một trong những thị trường lớn nhất và đa dạng nhất về động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã, khiến sự hợp tác giữa các quốc gia hành viên EU và các nước láng giềng trở nên cần thiết trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Hiện có bốn nền tảng TWIX đang hoạt động bao gồm: EU-TWIX (khu vực châu Âu), AFRICA-TWIX (khu vực châu Phi), SADC-TWIX (khu vực Nam Phi) và EASTERN AFRICA-TWIX (khu vực Đông Phi). Mỗi nền tảng bao gồm 01 trang web tập trung lưu giữ hồ sơ về các vụ thu giữ động vật hoang dã ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế và 01 danh sách thư điện tử cho phép các quan chức thực thi liên lạc, tìm kiếm sự hỗ trợ và cảnh báo lẫn nhau về các hành động thực thi có liên quan.

Các trang web TWIX cũng chứa nhiều tài nguyên khác nhau như hướng dẫn nhận dạng, tài liệu đào tạo, văn bản pháp lý và thư mục hữu ích bao gồm danh sách các trung tâm cứu hộ động vật dành cho các mẫu vật bị tịch thu.

Kết quả cho thấy EU vẫn là một thị trường quan trọng cho hoạt động buôn lậu động vật hoang dã khi các tổ chức và cá nhân thương mại tiếp tục buôn lậu các loài hoang dã và sản phẩm của chúng vào thị trường này thông qua và/hoặc từ các quốc gia thành viên.

Báo cáo phát hiện có một lượng đáng kinh ngạc các loại động vật và thực vật sống, gỗ, các bộ phận cơ thể và dẫn xuất, dược phẩm, đồ trang trí và các sản phẩm khác đã bị hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn khu vực tịch thu, trong đó 70% được sản xuất ở Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Trong khi một số lượng nhỏ các mặt hàng ngà voi và sừng tê giác bất hợp pháp vẫn được xuất sang EU thì mặt hàng hoang dã chính bị tịch thu là dược phẩm có nguồn gốc từ thực vật bất hợp pháp, trong đó gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng bị tịch thu nhiều nhất tính theo trọng lượng.

83% sản phẩm dược liệu bất hợp pháp đến từ các loại cây thuộc CITES bao gồm xương rồng, rễ cây Costus, anh đào châu Phi, hoa lan, trầm hương, nhân sâm Mỹ và lô hội, phần lớn được xuất khẩu từ Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Trầm hương được bày bán trong xô ở một khu chợ. Nguồn ảnh: © mtcurado/Getty Images.

Do các sản phẩm thuốc thường được vận chuyển và đóng gói dưới dạng thuốc viên nên chúng có thể khó xác định và thường chỉ bị gắn mác là đáng ngờ trong quá trình kiểm tra định kỳ do tài liệu không chính xác hoặc sai lệch. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi chỉ có 25% số thuốc bị tịch thu thực sự được mô tả như vậy, phần còn lại được khai báo bằng các thuật ngữ lỏng lẻo như “chiết xuất”, “bột” hoặc “dẫn xuất”.

Việc khai thác không bền vững và/hoặc bất hợp pháp các loài cây cảnh, cây làm thuốc và cây có hương thơm thường xảy ra ở các điểm nóng về đa dạng sinh học trên toàn cầu. Nó thể hiện thách thức toàn cầu trong việc đảm bảo rằng hoạt động buôn bán thực vật quốc tế không đe dọa đến hệ sinh thái cũng như cộng đồng địa phương sống dựa vào chúng.

EU đang chống lại các mối đe dọa do buôn bán động vật hoang dã gây ra thông qua Kế hoạch hành động EU sửa đổi chống buôn bán động vật hoang dã của Ủy ban châu Âu và Quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng nhằm đảm bảo việc tiêu thụ động vật hoang dã ở EU không góp phần vào nạn phá rừng và các mối đe dọa môi trường liên quan. Báo cáo cho thấy sự cần thiết phải duy trì vấn đề này trong chương trình nghị sự của EU. Các vụ thu giữ thuốc cũng bao gồm các sản phẩm y tế có nguồn gốc từ động vật, trong đó các loại thuốc có thành phần cá tầm, rắn độc, hươu xạ, cá ngựa, đỉa và gấu là một số mặt hàng làm từ động vật bị thu giữ trong năm 2022.

Số vụ tịch thu cơ thể, bộ phận và dẫn xuất các loài động vật có vú không dùng làm thuốc chiếm hơn 260 vụ, tăng nhẹ so với năm trước. Các mặt hàng bị thu giữ thuộc nhóm này bao gồm các bộ phận cơ thể, lông thú và móng vuốt, chủ yếu từ các loài báo và linh miêu, thân và đầu gấu, thịt giáp xác và linh trưởng, các chiến lợi phẩm và sừng bò.

Gấu đen trong tự nhiên. Nguồn ảnh: ©Aaron J Hill / Pexels.

Mối lo ngại ngày càng tăng được TRAFFIC cảnh báo là xu hướng sở hữu thú cưng ngoại lai đang phát triển ở EU. Năm 2022, có tổng cộng 1.886 động vật sống bị tịch thu đều được cho là dành cho hoạt động buôn bán thú cưng, trong đó vẹt, chim săn mồi, rùa và rùa cạn đều nằm trong số các loài bị thu giữ.

Có một chút thay đổi so với những năm trước, trung tâm bưu điện và sân bay là những điểm ngăn chặn chính đối với các sản phẩm bất hợp pháp, với số vụ tịch thu tại các cơ sở tư nhân giảm dần.

Trong khi xuất khẩu bất hợp pháp từ Trung Quốc đại lục vào EU giảm vào năm 2022 thì xuất khẩu bất hợp pháp từ Thái Lan và Mỹ lại tăng lên.

Sau Hội nghị chuyên gia ngày 21/3/2024 thảo luận về vai trò của các biện pháp can thiệp thay đổi hành vi nhằm chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Ủy ban châu Âu đang thí điểm một dự án chuyên biệt nhằm giảm nhu cầu về thú cưng ngoại lai bị mua bán bất hợp pháp.

PV

Nguồn: