ThienNhien.Net – Để quản lý có hiệu quả các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý trên cơ sở các quy định của Nhà nước nhằm quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển động vật hoang dã trên địa bàn thành phố, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi thực hiện tốt quy định pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 359 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đã được cấp giấy chứng nhận, với hơn 54.000 cá thể gồm các loài chủ yếu như: hổ, báo, sư tử, tê giác, gấu, cầy, khỉ, rắn hổ mang thường, cá sấu nước ngọt… (không kể các cơ sở nuôi gấu). Các trại nuôi đều đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật. Trong số các cơ sở đăng ký trên, có 218 cơ sở nuôi nhím (chiếm trên 66%), 77 cơ sở nuôi rắn các loại (khoảng 21%), 64 cơ sở nuôi hổ, báo, sư tử, cá sấu, cầy, khỉ, kỳ đà… (chiếm 17%).
Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã là một trong những biện pháp để bảo tồn nguồn gen, hạn chế đánh bắt từ tự nhiên, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, giải quyết được vấn đề lao động đang dư thừa hiện nay. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt sẽ xảy ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm chắc tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, cũng như công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy đăng ký trại nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đi vào nền nếp. Hiện nay, nhiều mô hình trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã cấp 100% sổ theo dõi khai báo nhập xuất động vật hoang dã đến từng tổ chức, cá nhân, hộ có nuôi nhốt động vật hoang dã; kiểm tra định kỳ hàng tháng về điều kiện chuồng trại an toàn cho người và vật nuôi nhốt, cũng như người dân trong vùng, về công tác vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh và kiểm tra việc ghi chép sổ sách theo dõi nhập phát sinh tăng đàn…; xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp đưa vào nhập đàn.