Châu Phi và những vấn đề nóng

Diễn đàn giảm thiểu rủi ro sức khỏe châu Phi lần thứ 2 bàn về hàng loạt vấn đề nóng bỏng, cấp bách với sức khỏe con người, đã thu hút dư luận thế giới vì nó diễn ra ngay tại Maraakech (Morocco) nơi trận động đất ngày 9/9 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương. Cùng thời điểm đó, một quốc gia châu Phi khác là Libya hứng chịu hậu quả của lũ lụt khi hơn 11.000 người thiệt mạng.Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Sức khỏe ở châu Phi: nước, môi trường và an ninh lương thực”, thu hút hơn 2.000 đại biểu đến từ 80 quốc gia. Phát biểu tại diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ Marocco, ông Aziz Akhannouch nêu bật tầm quan trọng của việc cùng nhau thống nhất và hành động thông qua các ý tưởng chia sẻ về giải quyết các thách thức phát sinh từ biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, tài nguyên cũng như đảm bảo an ninh lương thực; trên tinh thần đối mặt với những thách thức và khủng hoảng đòi hỏi phải có thống nhất hành động chung.

Tiến sĩ Imane Kendili – Chủ tịch Hiệp hội Y tế toàn cầu châu Phi (AGH) nhấn mạnh, bằng nhiều nỗ lực chung chúng ta có thể xây dựng châu Phi của ngày mai. Những thách thức mà châu Phi đăng phải đối mặt cũng chính là thách thức với người dân nhiều khu vực khác khắp thế giới.

Lâu nay, hệ thống y tế của châu Phi vẫn được coi là “vùng trũng” của thế giới, đặc biệt ở những quốc gia nghèo. Tỷ lệ người dân tiếp cận và chăm sóc y tế thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, châu Phi cũng lại là lục địa số người thiếu lương thực cũng nhiều nhất thế giới. Theo Liên hợp quốc, tới thời điểm đầu tháng 10/2023, châu Phi có tới 278 triệu người thiếu lương thực. Báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, biến đổi khí hậu gây hạn hán tệ nhất trong khoảng 40 năm qua tại vùng Sừng châu Phi, khiến nhiều người dân Ethiopia, Somalia và Kenya rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng.

Đáng chú ý, trong bối ảnh an ninh lương thực thế giới bị đe dọa do biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt, giá lương thực ở châu lục này tiếp tục bị đẩy lên cao, càng khiến tình hình bất ổn hơn.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, châu Phi cũng lại là khu vực nổ ra nhiều cuộc xung đột vũ trang, đảo chính quân sự, càng khiến hệ thống y tế gặp bất cập, nhiều người dân thiếu đói và rất nhiều người phải di tản.

Vì vậy, đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, những vấn đề của châu Phi cần phải được xem là vấn đề của thế giới, nơi có tới hơn 2 tỷ người sinh sống.