Thả 5 cá thể vượn đen má hung về Vườn quốc gia Tà Đùng tỉnh Đắk Nông

Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long cho biết, đơn vị vừa phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương và Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tổ chức thả 5 cá thể vượn đen má hung (Nomascus annamensis) về với môi trường tự nhiên Vườn quốc gia Tà Đùng.

Các cá thể vượn đen má hung được vận chuyển đến Vườn quốc gia Tà Đùng để thả về môi trường tự nhiên.

Theo đó, 5 cá thể vượn đen má hung có tổng trọng lượng là 21,5kg. Trước khi tổ chức thả vượn về tự nhiên, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe và xác nhận đủ điều kiện sinh tồn và phát triển ở môi trường Vườn quốc gia Tà Đùng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết và có kết quả rà soát khu vực thả, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã tiến hành thả cả 5 cá thể Vượn đen má hung tại đảo nổi thuộc hồ Tà Đùng. Các cá thể đã nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường tự nhiên.

Cả 5 cá thể vượn đen má hung được chuyển ra thả trên đảo nổi thuộc 1 trong số hơn 37 đảo trong lòng Hồ Tà Đùng.

Vườn Quốc gia Tà Đùng đang tiếp tục tổ chức theo dõi, bảo vệ để bảo đảm an toàn cho 5 cá thể vượn này.

Trong 5 cá thể vượn đen má hung, có 1 cá thể do người dân giao nộp, 4 cá thể được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương thu giữ liên quan đến các vụ nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Lực lượng chức năng tiến hành thả các cá thể vượn đen má hung về môi trường tự nhiên.

Vượn đen má hung nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đây là loại động vật rừng bị nghiêm cấm khai thác, săn bắt và thương mại với mọi hình thức.

Vượn đen má hung nhanh chóng hòa nhập vào môi trường tự nhiên sau khi được thả.

Vườn Quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên được quy hoạch rừng đặc dụng là 20.937,7ha, với tỷ lệ che phủ rừng tới 85% diện tích vùng lõi. Đây là nơi giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu, phòng hộ môi trường sinh thái.

Vườn Quốc gia Tà Đùng hiện có hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.