Mỗi mùa chim di cư, bẫy chim giăng khắp cánh đồng

Dù Chính phủ ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, thế nhưng, cứ mỗi mùa chim di cư đến, tại các nhà hàng, chim hoang dã được rao bán công khai.

Chim cà kheo bị rao bán trên mạng xã hội bởi một người ở Sơn Tây – Hà Nội. Ảnh: Thành Sơn

Chim trời từ cánh đồng đến chợ, nhà hàng

Tại các huyện như Đan Phượng, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa… (Hà Nội), xuống gần giáp tỉnh Hà Nam, sau vụ chiêm, các ruộng vẫn còn nước, hoặc có nhiều vùng ruộng bỏ hoang, không canh tác nên có diện tích mặt nước khá nhiều, thu hút các loài chim di cư. Và từ đó, tình trạng giăng lưới mờ, bắt bẫy chim diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều người dùng cả súng caosu, súng hơi để bắn chim.

Điểm đến của những đàn chim bị bẫy chính là các nhà hàng chim trời nhan nhản khắp nơi.

Phóng viên Lao Động vào vai thực khách, ghi nhận trên địa bàn thủ đô, các nhà hàng chim trời mọc lên ở cả nội thành và ngoại thành Hà Nội, như Chim Bốn Mùa, Chim To dần, Thứ Cò…

Tại quán ăn Huy Hoàn (thôn 3, Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội), biển quảng cáo nội dung “chim bốn mùa – đặc sản chim trời” được in rất to ngay cổng, bên trong, nhân viên liên tục bưng các món chim đủ loại ra bàn ăn.

Bản Bảng đen ghi menu bằng phấn trắng, cập nhật theo ngày với đủ loại chim hoang dã được viết chỉn chu. Đơn cử, ngày 5.9, nhà hàng có sẻ, chao chảo, rẽ, cu trắng, cò trắng, cuốc, te vàng, cồng cộc, sâm sen… kèm giá thành của mỗi loại chim.

Bà chủ quán đon đả giới thiệu với khách: “Giẽ 60 nghìn, chao chảo, te vàng… đều có. 10 người thì ăn chim giẽ nướng, mỗi người nửa con. Chỉ có cu trắng với bồ câu là nuôi, còn lại là chim trời hết. Chim hoang dã phải thịt để tủ chứ nuôi làm sao được. Sâm sen bao giờ cũng đắt, nếu ăn hấp thì ăn 5 con, mỗi người nửa con”, rồi bà quát lớn giục nhân viên đi nướng chim.

Có mặt tại nhà hàng Thứ Cò (ngõ 102 Khúc Thừa Dụ, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), vào vai một thư ký đi đặt bàn ăn cho sếp, phóng viên tiếp cận quản lý nhà hàng. Khác với sự hồn nhiên của các chủ quán ở ngoại thành, quản lý nhà hàng Thứ Cò cảnh giác hơn nhiều, có thể do đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.

“Em đảm bảo với chị chim của quán em tươi, hàng mới, rất ngon, chị ăn là sẽ nhớ” – quản lý nhà hàng giới thiệu.

Khi khách hàng hỏi chim nuôi hay chim tự nhiên, quản lý khẳng định: “Chim nuôi chị ơi, nhưng đảm bảo tươi ngon chắc thịt, làm sao mà được bán hàng hoang dã?”. Thế nhưng, khi khách hàng một mực không ăn chim nuôi, thì quản lý nhà hàng thay đổi thái độ: “Nếu chị muốn hàng hoang dã thì nhà hàng cũng có, nhưng chỉ có số lượng ít thôi”.

Lật giở thực đơn của nhà hàng cho thấy, các loài chim được in hình vẽ, dán giá tiền, cùng cách chế biến từng loại vô cùng chi tiết. Từ vạc, le le, chim vằn, sâm sen, chim ngói, cuốc, rẽ hoa, rẽ giun đến ngỗng trời, giang giang, mòng két, mòng biển, mòng trâu…

Rao bán chim hoang dã công khai, bất chấp quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Hoàng Hào – cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam – khi xem các tư liệu của phóng viên ghi nhận được, chỉ biết lắc đầu: “Chỉ cần quảng cáo bán chim hoang dã là đã có thể bị xử phạt, chưa nói đến bán chim thật. Hơn nữa, những loài chim như cà kheo, chao chảo, te vàng, cò, vạc, rẽ hoa, giang giang… là không thể nuôi được, đó đều là chim hoang dã. Vì sao lại không cơ quan nào xử lý?”.

Ông Hào cho hay, trong công tác bảo tồn chim hoang dã, vai trò chính, đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về chính quyền địa phương. Vì họ ở ngay hiện trường, trong khi lực lượng kiểm lâm thì mỏng, không thể bám sát hết các địa bàn. Tại các nhà hàng, quán ăn, chim trời bị rao bán công khai mà không có cơ quan nào xử lý. Hoặc xử phạt rồi họ lại tái diễn với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng.

“Khi chính quyền địa phương, công an quyết liệt xử lý thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã” – ông Hào nói.

Ông Hào cũng cho rằng, việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật như vậy đang bị chính quyền địa phương buông lỏng. Trong khi đó, Việt Nam có chế tài nghiêm khắc, đầy đủ với hàng loạt chỉ thị, Nghị quyết, văn bản quy định trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.