Thái Bình sẽ rà soát lại quy mô Khu bảo tồn Tiền Hải

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Thông tin được UBND tỉnh Thái Bình đưa ra sau khi Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc Thái Bình thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt là Khu bảo tồn Tiền Hải).

Trong thông cáo gửi đến báo chí, Thái Bình cho biết, do quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau (kế thừa số liệu từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 là 12.500 ha, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 là 3.245 ha, Quyết định số 2159/QĐ-UBND là 12.500 ha).

Tuy nhiên kiểm tra thực tế có sai lệch tọa độ và vị trí. Trong đó, theo tọa độ thì có 4.301 ha, vị trí không nằm trong các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cần được nghiên cứu, điều tra, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và phân định để bảo vệ, bảo tồn trên toàn bộ vùng biển Thái Bình.

Một phần diện tích rừng ngập mặn tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trường Hùng.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết thêm, hiện nay, tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó quan điểm xuyên suốt của tỉnh “Phát triển kinh tế xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa; đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông cáo cũng nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.

Các chuyên gia về bảo tồn lo ngại việc thu hẹp quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển châu thổ liên sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004.

Trước đó, ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 731 xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo quyết định này, quy mô khu bảo tồn là 1320 ha, bao gồm 632 ha đất có rừng ngập mặn và 688 ha đất chưa có rừng.

Trong khi, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 2159 xác lập quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là 12.500 ha gồm 1430 ha rừng, 11.050 ha đất ngập nước và bãi bồi.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc thu hẹp quy mô khu bảo tồn nhằm phục vụ quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định 1486 năm 2019.

Về vấn đề này, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, cần tiếp tục duy trì và bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải do tầm quan trọng của Khu bảo tồn với tỉnh Thái Bình, với quốc gia và quốc tế, đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nêu, việc thu hẹp diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu của 2 Nghị quyết trung ương, ảnh hưởng tới việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học đối với quốc tế như Công ước RAMSAR, Công ước Đa dạng sinh học, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu 2020 (mục tiêu gia tăng diện tích các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học).

Các chuyên gia về bảo tồn lo ngại, quyết định thu hẹp quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển châu thổ liên sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ này.

Trước đó, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có văn bản đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.