Thu hẹp diện tích khu bảo tồn Tiền Hải: Không đúng luật, ngược mục tiêu trên Nghị quyết Trung ương

Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Quyết định thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải của UBND tỉnh Thái Bình không chỉ đi ngược mục tiêu của Nghị quyết Trung ương, đi ngược cam kết quốc tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến khả năng thích ứng, chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đối khí hậu.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Cần tiếp tục duy trì, bảo vệ

Trong báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, Quyết định 731 của Thái Bình ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết với quốc tế.

Cụ thể, việc thu hẹp gần 90% diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt khu Bảo tồn Tiền Hải) ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (trong đó có mục tiêu nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha), Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia).

Quyết định của Thái Bình cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học đối với quốc tế như Công ước RAMSAR, Công ước Đa dạng sinh học, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu 2020 (mục tiêu gia tăng diện tích các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học).

Đặc biệt, theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, quyết định của UBND tỉnh Thái Bình sẽ ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học và các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên tiêu biểu, làm mất đi mắt xích quan trọng trong đường bay của các loài chim di cư quý hiếm trên thế giới, gây suy giảm các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đối khí hậu, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân ven biển, kinh tế – xã hội của địa phương.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nêu quan điểm, phải tiếp tục duy trì và bảo vệ khu Bảo tồn Tiền Hải, đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. Đây là việc làm cần thiết vì tầm quan trọng của khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải với tỉnh Thái Bình, với quốc gia, quốc tế cũng như việc tuân thủ các chủ trương, đường lối, chính sách và quy định pháp luật Việt Nam, cam kết quốc tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường không được báo cáo?

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết thêm, khu Bảo tồn Tiền Hải nằm trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 45/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1976/QĐTTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Tại dự thảo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hồ sơ quy hoạch đã được trình Thủ tướng Chính phủ), khu Bảo tồn Tiền Hải tiếp tục được đề xuất duy trì diện tích là 12.500 ha. Tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn, khu Bảo tồn Tiền Hải được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo pháp luật về đa dạng sinh học với diện tích 12.500 ha.

Như vậy, theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, khu Bảo tồn Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu Bảo tồn Tiền Hải không chỉ tuân thủ theo pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Theo đó, đối với điều chỉnh diện tích, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, đến thời điểm hiện nay, Cục chưa nhận được công văn xin ý kiến về nội dung Quyết định số 731 của UBND tỉnh Thái Bình và không nhận được Quyết định chính thức sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định.

Theo thông tin trên Quyết định 731, sau khi ban hành, quyết định này chỉ được gửi đến các lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan, sở ngành, địa phương trong tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không có Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trong Bộ có liên quan rà soát, báo cáo về việc xử lý các vấn đề có liên quan đến quy hoạch tỉnh Thái Bình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường khu Kinh tế Thái Bình và các dự án phát triển khác trong khu vực của khu Bảo tồn Tiền Hải.

Từ tiền lệ Thái Bình, lo kẽ hở dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Vụ việc ở khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đến nay đã có ý kiến từ các cơ quan trung ương. Theo như nhận định ban đầu của các cơ quan này, việc cắt giảm 9/10 diện tích khu bảo tồn không đúng theo chủ trương, pháp luật hiện hành.

Theo chuyên gia Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên: “Bên cạnh Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai hiện hành cũng có các quy định về thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khoản 1, Điều 58. Thế nhưng các hàng rào pháp lý này lại đang được đề xuất gỡ bỏ tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (phiên bản tháng 7/2023).

Theo đó, tại khoản 2, điều 15 của Dự thảo luật đề xuất, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định tại Luật này, giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương”.

Tại Khoản 1, Điều 122 của dự thảo cũng nêu: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 116 của luật này, trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”.

Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Với sức ép từ cuộc đua tăng trưởng GDP, cạnh tranh xúc tiến đầu tư, bệnh thành tích của các địa phương vốn diễn ra bấy lâu nay, liệu việc “tháo khoán” như đề xuất của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quá rủi ro cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh? Cơ chế nào đảm bảo giám sát được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng sẽ “tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”?

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên