Khó xử lý vi phạm môi trường khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát môi trường đã có nhiều nỗ lực trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm về môi trường tại các khu công nghiệp, song hoạt động này vẫn gặp không ít khó khăn. Những câu chuyện ghi nhận dưới đây từ ba địa phương cũng chính là những khó khăn chung của toàn lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường hiện nay. 

Vướng về cơ sở pháp lý

TP. HCM hiện có 10 khu công nghiệp, 03 khu chế xuất, 01 khu công nghệ cao và 03 khu công nghiệp đang triển khai hạ tầng. Theo điều tra của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TPHCM, các hành vi sai phạm liên quan đến nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thường là không thực hiện đúng cam kết, đề án bảo vệ môi trường đã được duyệt; xả thẳng nước thải không qua xử lý ra môi trường hoặc có xử lý nhưng không đạt chuẩn; xả thải, khai thác nước ngầm không phép; thiết kế hệ thống cống ngầm để lén xả thải mặc dù có hợp đồng xử lý nước thải với khu công nghiệp, khu chế xuất…

Trong quản lý chất thải nguy hại và xử lý khí thải, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng chưa đăng ký sổ chủ nguồn chất thải nguy hại; lưu giữ, chuyển giao chất thải nguy hại không đúng quy định (thường núp dưới dạng mua bán phế liệu để tuồn chất thải nguy hại ra bên ngoài cho đơn vị tư nhân không có chức năng vận chuyển, xử lý); không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; hầu hết đều không có biện pháp xử lý khí thải, mùi hôi trong quá trình sản xuất.

Cán bộ Trung tâm kiểm định môi trường, C49 thu mẫu nước thải của nhà máy xử lý nước thải Công ty Sonadezi Long Thành, Đồng Nai để kiểm định (Ảnh: Cục Cảnh sát Môi trường)
Cán bộ Trung tâm kiểm định môi trường, C49 thu mẫu nước thải của nhà máy xử lý nước thải Công ty Sonadezi Long Thành, Đồng Nai để kiểm định (Ảnh: Cục Cảnh sát Môi trường)

Từ năm 2010 đến cuối 2012, Phòng phát hiện gần 300 vụ vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm và đa dạng sinh học, xử phạt hành chính hơn 12 tỷ đồng, trong đó số vụ liên quan đến khu công nghiệp chiếm khoảng 1/3. Tuy đạt được một số kết quả nhất định, song đơn vị vẫn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật, đặc biệt là trong việc khởi tố hình sự các vụ việc liên quan đến gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ những bất cập về mặt pháp lý trong các quy định hiện hành.

Cụ thể, theo Điều 8, Chương 3, Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, khái niệm “tội phạm” được định nghĩa là “hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”, điều này có nghĩa là chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tất cả các điều khác trong Bộ Luật hình sự cũng quy định chỉ truy tố hình sự đối với cá nhân. Trong khi đó, trên thực tế, vi phạm trong lĩnh vực môi trường (được quy định tại Chương 17, Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2009) chủ yếu là do các công ty, doanh nghiệp, tập thể gây ra.

Thứ hai, trừ các tội danh được quy định tại Điều 189, 190, 191 (Chương 17 về các tội phạm về môi trường, Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có Thông tư hướng dẫn thi hành và thực tế đã khởi tố được hình sự, thì các tội danh còn lại trong Chương này (Điều 182, 182a, 182b, 185, 186, 187, 188, 191a) vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xác định yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” để làm căn cứ định lượng hậu quả, yếu tố quyết định trong khởi tố hình sự.

Thứ ba, Điều 45 và 46 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 quy định về “thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, “thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” cũng không đề cập đến bất kì chức danh nào thuộc lực lượng Cảnh sát môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc Cảnh sát môi trường không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ người, đồ vật, tang vật, phương tiện vi phạm. Hậu quả là dễ dẫn đến việc đối tượng vi phạm có thể lẩn trốn hoặc tẩu tán tang vật vi phạm, gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Vướng do thiếu thiết bị kiểm định

Hải Phòng hiện có trên 1.150 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có 140 doanh nghiệp hoạt động trong 5 khu công nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có 3/5 khu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Từ khi thành lập vào năm 2007 đến tháng 6/2012, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP. Hải Phòng mới chỉ xử lý 109 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, trong đó nhắc nhở 57 trường hợp và xử phạt hành chính 52 trường hợp với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Đây là những con số tương đối nhỏ so với thực tế vi phạm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do đơn vị gặp khó về trang thiết bị thu mẫu, kiểm định mẫu môi trường, cũng như trình độ cán bộ kiểm định.

Thời kỳ đầu, PC49, Công an TP. Hải Phòng chỉ có 37 cán bộ và được trang bị 02 vali chứa thiết bị đo nhanh tại hiện trường. Mãi tới đầu năm 2012 và thời gian gần đây, đơn vị mới được Bộ và thành phố trang bị 12 loại máy đo đa chỉ tiêu về nước, bụi, khí thải công nghiệp, kim loại nặng, đo độ rung, độ ồn, đo coliform trong nước thải, đo BOD, máy phân tích dầu, đo phóng xạ…

Riêng đối với một số Phòng PC49 địa phương không thuộc địa bàn trọng điểm như Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu…, phương tiện máy móc hầu như vẫn còn rất sơ sài, khó đáp ứng được yêu cầu phát hiện vi phạm. Trong khi đó, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải của các khu công nghiệp cũng như doanh nghiệp thường rất phức tạp, khó phát hiện. Đó là chưa kể đến những hành vi vi phạm về tiếng ồn, độ rung, độ bụi, ô nhiễm phóng xạ…, nếu không có máy móc đo phù hợp thì không thể xác định chính xác.

Ngoài vấn đề thiết bị, khâu đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này cũng cần nhiều đầu tư để đạt “chuẩn” cán bộ kiểm định (đạt chức danh kiểm định viên) nhằm tránh sai sót trong quá trình thu mẫu, bảo quản mẫu, phân tích và kiểm định mẫu môi trường.

Điều đáng nói là muốn đạt chuẩn về cả máy móc và con người đều cần rất nhiều kinh phí đầu tư, tuy nhiên đây lại là vấn đề của không ít địa phương. Do đó, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, đơn vị, đặc biệt là sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật từ các tổ chức, chuyên gia nước ngoài.

Phòng 4 – C49 tiến hành kiểm tra công ty TNHH Thành Dũng (Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) chuyên sản xuất bao bì xi măng, phát hiện Công ty này có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Kinh Môn là 1.700m3/01 ngày đêm
C49 phát hiện Công ty TNHH Thành Dũng (Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Kinh Môn với công suất 1.700m3/ngày đêm

… và vướng do chính sách ưu đãi của địa phương

Đồng Nai đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp với 31 khu, trong đó 24 khu đang hoạt động, 07 khu đang trong quá trình bồi thường, san lấp, xây dựng hạ tầng.

Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Đồng Nai, kể từ sau “tấm gương” Vedan, tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, do chi phí vận hành quá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận nên các khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung thường chọn giải pháp hoạt động cầm chừng, lúc chạy, lúc nghỉ nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Một số doanh nghiệp mặc dù có đường ống đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn cố tình xây dựng đường ống xả thải ngầm để xả trộm, hoặc lợi dụng trời mưa, thủy triều, đêm tối để xả thải không qua xử lý ra môi trường.

Ngoài những vướng mắc căn bản nêu trên, công tác xử lý vi phạm môi trường tại các khu công nghiệp tại địa phương còn vướng ở chính chính sách đầu tư của UBND tỉnh.

Tại một hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong các khu công nghiệp, Lãnh đạo Phòng PC49, Công an tỉnh Đồng Nai thừa nhận: một trong những khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với các hành vi gian lận về môi trường của các doanh nghiệp lại đến từ chính chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư của địa phương. Vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài mà bất cứ cán bộ nào của đơn vị cũng phải hiểu một “luật bất thành văn” là làm, phát hiện, xử lí vi phạm thì ít thôi, tuyên truyền cho họ hiểu về pháp luật mới là chính.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp chỉ sợ bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh chứ không “ngán” các biện pháp xử lý vi phạm hành chính phạt tiền, do đó sẵn sàng chấp nhận nộp phạt khi bị phát hiện hoặc chủ động “làm luật” với cơ quan quản lý để được châm chước, giảm nhẹ hình thức xử lý.

Chính vì vậy, chính sách đầu tư tại địa phương cần cân bằng ưu tiên giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Khi triển khai các dự án khu công nghiệp phải làm chặt khâu xét duyệt năng lực của các nhà đầu tư, khi triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp phải yêu cầu chủ đầu tư ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Đặc biệt, cần dành quỹ đất để xây dựng kho chứa và thực hiện việc phân loại, xử lý chất thải nguy hại theo đúng qui định, trước khi thu hút các dự án vào hoạt động.

Ngoài ra, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường khu công nghiệp nói riêng, nỗ lực của lực lượng Cảnh sát môi trường cần được hỗ trợ của nhiều nhân tố khác như: nguồn thông tin tố giác tội phạm từ người dân; hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng; sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương trong việc trang bị phương tiện kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm.