Dự án của WB đang mạo hiểm với cơ chế tài chính khí hậu

ThienNhien.Net – Dự án thủy điện Rampur ở bắc Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới (WB) và công ty thủy điện Ấn Độ Satluj Jal Vidyut Nigam Limited (SJVN) “đỡ đầu” đang nằm trong danh sách đề xuất Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) xét trao tín dụng các-bon. Đề xuất này đã dấy lên nhiều mối nghi ngờ và phản đối liên quan tới sự thiếu minh bạch của các nhà đầu tư cũng như tính chính đáng và xứng đáng của dự án đối với tín dụng các-bon CDM. Bài viết dưới đây của Peter Bosshard, Giám đốc Chính sách thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), là một trong những quan điểm ấy, xin được giới thiệu với độc giả.

Nếu có được tín dụng các bon, dự án thủy điện Rampur ở bắc Ấn Độ sẽ có cơ hội tăng lượng phát thải CO2 toàn cầu thêm 15 triệu tấn, với cái giá 164 triệu USD do chính người tiêu dùng Thụy Điển đứng ra gánh vác. Đây cũng là ví dụ điển hình cho thấy các công ty và các nhà đầu tư khác nhận hỗ trợ của WB đang mạo hiểm với hệ thống tài chính khí hậu.

Dự án thủy điện Rampur được triển khai vào năm 2004 sau khi thỏa thuận giữa SJVN, một công ty thủy điện Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới lập nên, và chính quyền địa phương được ký kết. Đây là dự án thủy điện công suất 412MW trên sông Satluj thuộc bang Himachal Pradesh phía bắc Ấn Độ. Ba năm sau thời điểm ký kết (năm 2007), WB đã thông qua một khoản vay trị giá 400 triệu USD cho dự án.

Theo lời “quảng bá” về dự án này thì nó sẽ đáp ứng nhu cầu tiếp cận điện cho thêm 1 triệu hộ gia đình bằng khả năng phát khoảng 1.770 triệu đơn vị điện năng mỗi năm. Đặc biệt, Rampur không yêu cầu phải xây đập hay hồ chứa nước mà tái sử dụng nguồn nước của nhà máy điện ngược dòng Nathpa Jhakri nên sẽ không gây ra lũ lụt, cũng không ảnh hưởng tới lưu lượng nước của sông Satluj. Theo đó, những tác động về mặt môi trường và xã hội đối với các cộng đồng địa phương so với các nhà máy khác cùng quy mô là khá thấp.

Chưa hết, trong suốt tiến trình thực thi dự án, công ty thủy điện SJVN không ngừng đảm bảo với người dân và các “chủ nợ” của họ rằng đây là dự án “ít tốn kém nhất” và sẽ còn khả thi về mặt tài chính ngay cả dưới những điều kiện thủy văn bất lợi.

Đến nay, dự án đã trải qua 7 năm xây dựng và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mới. Do đó, để có thêm kinh phí hỗ trợ dự án tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn tới đây (2012 – 2022), SJVN đã đăng ký nhận tín dụng các-bon từ ủy ban CDM cho nỗ lực giảm thải của dự án.

Mặc dù vẫn chưa có quyết định cuối cùng nhưng Cơ quan Năng lượng Thụy Điển (SEA) đã sớm đề nghị mua lại số tín dụng các-bon từ dự án Rampur. Nắm trong tay tín dụng các-bon từ CDM đồng nghĩa với việc người gây ô nhiễm ở bán cầu Bắc đã gián tiếp đầu tư giảm phát thải ở khu vực bán cầu Nam, đồng thời họ cũng được phép tiếp tục gây ô nhiễm trong khi bản thân họ vốn có nghĩa vụ giảm phát thải theo Nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) năm 1997. Riêng trường hợp Thụy Điển, một khi nước này mua được 15 triệu tín dụng các-bon với giá 164 triệu USD, họ sẽ được phép phát thải ra bầu khí quyển thêm 15 triệu tấn các-bon.

CDM vốn được lập ra để hỗ trợ các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án. Nếu một dự án chứng minh được tính khả thi của nó trong việc giảm thải, mang lại lợi ích cho môi trường và cuộc sống con người và đặc biệt dự án chỉ có thể tiến triển nếu có nguồn tín dụng các-bon, chắc chắn nó sẽ nằm trong tầm ngắm của ủy ban CDM.

Nhằm đạt đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ của CDM, SJVN đang cố chứng tỏ rằng dự án ít tốn kém nhất của họ sẽ “dậm chân tại chỗ” khi không có tín dụng các-bon. Và nếu bị “mờ mắt” bởi viễn cảnh mà các nhà đầu tư vẽ ra thì hẳn là việc được trao 15 triệu tín dụng như đã nói ở trên chỉ là vấn đề thời gian. Song thực tế, nhìn vào việc dự án đã hoàn thành được 70% thì rõ ràng đây là một lời nói dối trắng trợn.

Dự án thủy điện Rampur đã trải qua 7 năm xây dựng mà không cần phụ thuộc vào nguồn tín dụng các-bon (Ảnh: Halcrow.com)

Hơn nữa, theo điều tra của Nick Meynen, một nhà báo người Bỉ, dự án thủy điện Rampur thực chất có tác động tàn phá rất lớn đối với môi trường xung quanh, như phát tán bụi bẩn, ảnh hưởng năng suất trồng trọt, chăn nuôi…, hoàn toàn ngược lại với những thông tin từ SJVN. Không những vậy, SJVN còn xây dựng đường hầm ngầm dưới đất, đẩy cư dân tại 8 ngôi làng đứng trước tình trạng thiếu nước trầm trọng. Vì thế, người dân địa phương không hề chào đón dự án này, thậm chí họ còn cho rằng nó không hướng tới sự phát triển bền vững mà chỉ tập trung phá hủy bền vững.

Ngoài ra, cũng cần chú ý tới một thực tế là nhiều nhà đầu tư thường xuyên coi tín dụng các-bon là “tấm lá chắn” cho các dự án dù biết rằng không có chúng, các dự án ấy vẫn sẽ hoạt động tốt và rằng “chẳng có ngân hàng nào chịu rót vốn vào một dự án chỉ khả thi khi được nhận tín dụng các-bon vì tiến trình đăng ký còn thiếu chắc chắn” như lời chia sẻ của một giám đốc ngân hàng Ấn Độ trích từ bức điện bị rò rỉ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Mumbai gửi tới Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Đối với trường hợp của Rampur, hẳn là nếu ủy ban CDM đồng ý trao tặng 15 triệu tín dụng các-bon thì những nhà gây ô nhiễm ở Thụy Điển có thể phát thải 15 triệu tấn CO2, vượt quá mức cho phép phát thải theo Nghị định thư Kyoto và SJVN sẽ thu thêm được 164 triệu USD lợi nhuận. Rồi rốt cuộc, chính các nhà tiêu thụ năng lượng Thụy Điển và các hệ sinh thái trên Trái đất sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Hiện Tổ chức Giám sát CDM (CDM Watch), Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) và Mạng lưới Nam Á về Đập, Sông ngòi và Con người (SANDRP) đang cùng nhau kêu gọi ủy ban CDM nhanh chóng nhận ra vấn đề và từ chối cho dự án thủy điện Rampur đăng ký nhận tín dụng các-bon.

Dự án Rampur cũng hé lộ vai trò thiếu minh bạch của Ngân hàng Thế giới trong việc tiếp tay cho ý đồ “qua mặt” các quỹ khí hậu.  Ủy ban CDM sẽ chẳng đời nào cân nhắc trao tín dụng các-bon cho Rampur nếu thể chế tài chính này không “có lời”. WB đã xác nhận rằng các dự án của họ vào thời điểm cho vay đều khả thi về mặt tài chính và làm ra vẻ là họ chẳng có vai trò gì khi giàn xếp tín dụng các-bon cho một số dự án tương tự.

Tính đến nay, WB đang quản lý 13 quỹ liên quan tới mua bán các-bon và nhiều khả năng sẽ trở thành cơ quan quản lý Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Đứng trên cương vị của mình, có vẻ như họ rất tự tin cho rằng chuyên môn vững vàng sẽ giúp họ trở thành một nhà trung gian hoàn hảo trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Tuy nhiên, xét từ dự án Rampur thì thấy có vẻ như WB không nhận được nhiều sự tín nhiệm để đóng vai trò một nhà trung gian đáng tin cậy.

Còn Tổ chức Sông ngòi Quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ khác lâu nay vẫn cho rằng hệ thống CDM đã sụp đổ và thế giới cần một cơ chế tài chính hiệu quả có thể thúc đẩy giảm thiểu phát thải khí nhà kính – nguyên nhân chính yếu gây nên biến đổi khí hậu, mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống trên hành tinh.