Chưa có kế hoạch tìm môi trường tốt hơn cho những con thú ở Công viên 29.3 tại Đà Nẵng

Hiện tại, Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) chưa có kế hoạch sửa chữa, di dời vườn thú ở Công viên 29.3.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Trước đây, vườn thú của Công viên 29.3 có nhiều loài động vật hoang dã có nguồn gốc rừng Châu Á, Châu Phi. Đây là điểm tham quan hấp dẫn nhất đối với trẻ em cả TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Thế nhưng, hiện nơi đây chỉ còn 18 con thú, trong đó có 11 cá thể nai, 3 khỉ mốc, 3 khỉ đuôi lợn và 1 con trăn đất.

Vườn thú Công viên 29.3 chỉ rộng khoảng 700m2. Những con thú ít ỏi còn lại được nuôi nhốt trong những chiếc chuồng chật hẹp nên khó sinh trưởng và phát triển.

Chưa kể, khu vực nuôi nhốt những con thú này bốc mùi hôi thối nồng nặc gây ảnh hưởng đến người dân đi dạo trong công viên và tham quan vườn thú này.

Những con thú được nuôi nhốt tại Công viên 29.3 (Đà Nẵng). Ảnh: Văn Trực 

Các cá thể khỉ được nuôi nhốt ở đây chậm chạp, thiếu sức sống, không linh hoạt như bản tính vốn có. Trong khi đó, một số cá thể nai bị dị tật, gầy ốm do là kết quả của quá trình sinh sản cận huyết. Hình ảnh những con thú ở đây khiến người dân đi qua không khỏi thương xót cho số phận những con thú này.

Nhiều người dân cho rằng, thay vì nuôi nhốt những con thú trong điều kiện như vậy thì có thể thả chúng về với môi trường sống tự nhiên hoặc tìm chỗ tốt hơn để nuôi nhốt chúng. Nhìn những con vật ở đây, cho họ cảm giác “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Một cá thể khỉ tại vườn thú Đà Nẵng. Ảnh: Văn Trực

Chưa có quyết định di dời hay sửa chữa vườn thú

Trao đổi với Lao Động, ông Vương Tuấn Kiệt – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê cho hay, từ năm 2018, Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê được UBND thành phố giao quản lý Công viên 29.3. Trong việc quản lý Công viên 29.3, ngoài chăm sóc cây, bảo vệ công viên thì trung tâm phụ trách chăm sóc những con thú ở đây.

Vườn thú tại Công viên 29.3 đã có từ nhiều năm nay và có một số con thú có từ khi thành lập công viên. Quá trình chăm sóc cây xanh cũng như chăm sóc thú tại công viên đều diễn ra theo quy trình mà thành phố giao.

Người dân cho nai ăn ở vườn thú. Ảnh: Văn Trực

“Hằng ngày, có một nhân viên thuộc Công ty Công viên cây xanh là anh Lê Xuân Linh được phân công chăm sóc những con thú. Do đã chăm sóc những con thú từ rất lâu nên anh Linh có trách nhiệm và tình yêu với thú.

Không chỉ cho ăn mà anh Linh còn thường xuyên cải thiện bữa ăn cho thú. Tôi cho rằng, phải có tình yêu với thú nên khi được phân công, anh Linh làm hết trách nhiệm” – ông Vương Tuấn Kiệt cho biết.

Khỉ được nuôi nhốt trong những chiếc chuồng sắt. Ảnh: Văn Trực

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê Vương Tuấn Kiệt khẳng định, thú tại Công viên 29.3 vẫn được chăm sóc với chế độ ăn uống đầy đủ, việc vệ sinh chuồng thú, tắm rửa cho thú ăn diễn ra bình thường.

Chia sẻ về vấn đề vào mùa nắng nóng, khu vực nuôi nhốt thú bốc mùi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ông Kiệt cho rằng, đó là chuyện đương nhiên vì thú đi vệ sinh khắp nơi trong chuồng.

“Vậy nên người dân và du khách tham quan nên có suy nghĩ tích cực hơn trong vấn đề này” – ông Kiệt nói.

Một số con vật sinh sản trong tình trạng cận huyết. Ảnh: Văn Trực

Nói về tình trạng những con thú sinh sản cận huyết, ông Vương Tuấn Kiệt không phủ nhận tình trạng này. Theo ông Kiệt, trước đó, đơn vị cũng đã có buổi trao đổi với Chi Cục Lâm nghiệp và đơn vị này cũng đã hướng dẫn trung tâm là không được phát triển, tiếp nhận những con thú từ đơn vị khác mà tiếp tục duy trì cho đến khi có chủ trương của thành phố.

Khi được hỏi về kế hoạch tìm môi trường tốt hơn cho những con thú ở đây, ông Kiệt cho biết, vì lịch sử lâu đời, Công viên 29.3 đối với nhiều người dân là điểm tham quan thú vị cho trẻ em nên lãnh đạo TP Đà Nẵng cân nhắc việc này và chưa có quyết định di dời hay sửa chữa vườn thú. Vậy nên, hiện tại, Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Thanh Khê thực hiện đúng trách nhiệm được giao.

Ông Kiệt cũng cho hay, nếu các ngành chức năng tham mưu và có quyết định gửi UBND quận đưa các con thú này về với môi trường tốt hơn, đơn vị sẽ ủng hộ và tham khảo các đơn vị liên quan để có phương án tốt nhất cho thú.