Voi có hạnh phúc trong môi trường nuôi nhốt?

Voi châu Á Tricia qua đời tại Vườn thú Perth (Úc) ở tuổi 65, khiến nó trở thành một trong những cá thể voi già nhất thế giới. Tricia sinh năm 1957 được chuyển từ Việt Nam đến Vườn thú Perth năm 1963. Người chăm sóc miêu tả Tricia là một cô voi tình cảm, vui tươi và tinh nghịch.

Cái chết của Tricia phủ nỗi buồn đau lên Vườn thú Perth, đặc biệt là với những nhân viên vườn thú và hai chú voi con nuôi của Tricia là Putra Mas và Permai. Cái chết của voi Tricia cũng làm dấy lên cuộc tranh luận đạo đức mới về việc nuôi những động vật cao tuổi, sống vật vờ như vậy ở các vườn thú trong nhiều thập kỷ. Đây là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi. Từ xưa, phúc lợi cho loài voi trong điều kiện nuôi nhốt đã rất kém. Vậy voi có hạnh phúc và an toàn khi bị nhốt trong những cũi sắt như ngày nay hay không?

Voi Tricia (Ảnh: Vườn thú Perth)

Thách thức trong việc nuôi nhốt voi

Phúc lợi động vật được định nghĩa là khả năng tránh những đau đớn và duy trì sức khỏe cho loài vật. Điều này đòi hỏi người chăm sóc cần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về cả thể chất và tinh thần cho động vật. Tuy nhiên, phúc lợi động vật chưa được ưu tiên với voi bị nuôi nhốt. Ví dụ điển hình là những chú voi bị nuôi nhốt trong rạp xiếc. Voi con bị tách khỏi mẹ ngay từ khi còn nhỏ để huấn luyện, bị giam cầm trong thời gian dài và vận chuyển sai cách trong các xe rơ moóc và thùng hàng từ nơi này tới nơi khác.

Việc đảm bảo phúc lợi tốt cho voi trong điều kiện nuôi nhốt rất khó khăn do chúng có kích thước lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn như nước, không gian và khoảng 150 kg thức ăn mỗi ngày.

Việc đáp ứng không gian và nhu cầu vận động của voi trong điều kiện nuôi nhốt là điều bất khả thi. Trong môi trường hoang dã, voi có thể di chuyển liên tục với khoảng cách rất xa, lên đến 195km mỗi ngày.

Loài động vật này có năng lực nhận thức rất phát triển, thậm chí sánh ngang với các loài linh trưởng. Ví dụ như voi có thể chế tạo và sử dụng các công cụ, chẳng hạn như vặt cành cây để đuổi đánh côn trùng.

Voi còn có lòng trắc ẩn, vị tha, khả năng hợp tác và có thể nhận ra bản thân mình trong gương. Chúng cũng thể hiện mối quan hệ xã hội bền chặt với những cá thể voi khác. Một số bằng chứng cho thấy voi thể hiện sự đau buồn và an ủi sau cái chết của một thành viên trong gia đình voi.

Tricia trở thành mẹ nuôi của ba chú voi con ở Vườn thú Perth. Vào năm 2007, một trong ba voi con tử vong do các biến chứng về sức khỏe. Tricia đau buồn vì mất mát này trong suốt một năm.

Phúc lợi động vật trong vườn thú hiện đại

Các vườn thú hiện đại ở Úc đã ưu tiên đặt phúc lợi động vật lên hàng đầu. Một số cân nhắc chính cần lưu ý khi đánh giá phúc lợi là yêu cầu về chuồng trại, chế độ ăn đa dạng và phù hợp với loài, tăng cường tương tác và chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Người chăm sóc cũng để ý đến các hành vi gợi lên nỗi sợ hãi, căng thẳng và lo lắng của loài vật, chẳng hạn như di chuyển nhanh, gây hấn và tự làm hại bản thân.

Tricia có lẽ là một trong những ví dụ điển hình về sự phát triển của vườn thú. Xét theo tiêu chuẩn ngày nay, điều kiện nuôi nhốt Tricia từ những ngày đầu rất tồi tệ.

Ban đầu, voi Tricia bị nhốt trong một chuồng bê tông. Sau đó, vào năm 1986, Tricia được chuyển đến một khu vực nuôi nhốt mới có chuồng gần hồ bơi. Chuồng voi hiện tại ở Vườn thú Perth rộng gấp ba lần kích thước chuồng cũ và gồm một hồ bơi, bãi bùn, cây cối, cột trụ, một chuồng sưởi với sàn cát và ụ ngủ.

Các hoạt động khác nhau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của Tricia cũng được cung cấp, bao gồm đi dạo trong vườn thú và vẽ tranh. Nghe có vẻ thú vị song điều kiện này liệu có so sánh được với các quyền tự do và không gian hoang dã ngoài tự nhiên hay không?

Thậm chí ngay cả trong môi trường hoang dã, phúc lợi động vật cũng không hề được đảm bảo. Các quần thể voi châu Á hoang dã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng với thực trạng suy giảm số lượng nhanh chóng và khoảng cách giữa các thế hệ kéo dài, từ 22–25 năm.

Loài voi phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như xâm lấn đô thị, săn bắn và suy giảm môi trường sống. Chúng cũng bị nông dân và những người khai thác gỗ coi là loài gây hại.

Những cá thể voi bị nuôi nhốt ngày nay thường là một phần của các chương trình nhân giống và bảo tồn voi châu Á. Mặc dù các chương trình nuôi nhốt không có khả năng đóng góp đáng kể vào việc gia tăng số lượng quần thể hoang dã, nhưng việc nhấn mạnh môi trường sống khắc nghiệt của chúng trong tự nhiên với các du khách có thể thúc đẩy thông điệp bảo tồn voi.

Một số vườn thú cũng áp dụng kinh nghiệm để tham gia vào các nỗ lực bảo tồn ở quê hương của voi – nơi có nhiều khả năng thành công hơn. Chẳng hạn như Vườn thú của Úc đã đầu tư kinh phí cho một bệnh viện voi Indonesia để chăm sóc cho các cá thể voi bị thương.

Tương lai của những chú voi bị nuôi nhốt

Các vườn thú ở Úc đang nhận ra thách thức trong việc nuôi nhốt một số loài nhất định. Thực tế, đang có ​​sự chuyển hướng từ việc tích cực thêm hoặc thay thế các loài ngoại lai thành tái phát triển các khu vực nuôi nhốt, mở rộng và cải thiện điều kiện nuôi nhốt hơn cho các loài động vật còn lại. Các loài thuộc chương trình bảo tồn và nhân giống được ưu tiên hơn.

Nhưng ngày càng có nhiều sự công nhận về nhu cầu có các nhóm xã hội ổn định và quyết tâm nuôi voi châu Á ở ít địa điểm hơn có thể cung cấp các điều kiện tốt nhất cho chúng.

Liệu chúng ta có thể tái thả những cá thể voi bị nuôi nhốt lâu năm trong vườn thú trở lại tự nhiên không? Điều này là bất khả thi bởi vì muốn sinh tồn trong môi trường hoang dã, voi phải dựa vào kiến thức và kinh nghiệm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tìm kiếm thức ăn, nước uống và các tuyến đường di cư.

Hiện ngày càng có nhiều công nhận về sự cần thiết của việc xây dựng các quần thể ổn định cho loài voi, giảm các điểm nuôi nhốt voi châu Á riêng lẻ để có thể cung cấp các điều kiện tốt nhất cho chúng.

Vườn thú Perth đang tìm kiếm ngôi nhà mới cho hai chú voi con còn lại để chúng hòa nhập vào một đàn lớn hơn. Trong khi đó, Sở thú Melbourne dự định chuyển đàn voi của họ tới Vườn thú Werribee Open Range – nơi sẽ mở rộng lên 21 ha để loài voi có thêm không gian di chuyển.

Chúng ta cũng nên ghi nhận những tiến bộ đã đạt trong công cuộc nuôi nhốt và chăm sóc voi hơn 50 năm qua. Giờ đây, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được tương lai của loài voi trong các vườn thú.

Thùy Dung (Theo phys.org)

Nguồn: