Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 9/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tái khẳng định tinh thần đoàn kết với Pakistan và hỗ trợ quốc gia Nam Á phục hồi sau thảm họa lũ lụt năm ngoái.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự Hội nghị quốc tế diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) về hỗ trợ Pakistan tái thiết sau lũ lụt, ngày 9/1. (Ảnh: UN)

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) về hỗ trợ Pakistan tái thiết sau lũ lụt do Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc đồng tổ chức, ông Guterres nêu bật sự cần thiết phải có những khoản đầu tư lớn để hỗ trợ các cộng đồng ở Pakistan tái thiết vì tương lai. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ Pakistan phục hồi sau trận lũ lịch sử, trong bối cảnh quốc gia Nam Á vừa phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa phải đối mặt với những bất cập của hệ thống tài chính toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị ngày 9/1, ông Guterres nói: “Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tổn thất và thiệt hại khí hậu, hãy đến Pakistan.. Có mất mát, có thiệt hại và các bạn sẽ thấy tương lai chung của chúng ta ra sao”.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã dẫn đến một thảm họa thiên nhiên chưa từng có ở Pakistan vào mùa hè năm 2022 và nhấn chìm 1/3 diện tích quốc gia Nam Á. Theo số liệu thống kê chính thức, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 33 triệu người, với hơn 1.730 người thiệt mạng và hai triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Hàng nghìn trường học và bệnh viện cũng bị hư hại hoặc phá hủy. Ước tính, thảm họa lũ lụt năm 2022 sẽ khiến tỷ lệ nghèo đói ở Pakistan tiếp tục gia tăng và đẩy thêm 9,1 triệu người xuống dưới mức nghèo khổ. Lũ lụt đã khiến hàng triệu người phải sơ tán và đến nay vẫn chưa thể quay trở về nhà, trong khi việc nước chưa rút ở nhiều nơi đã dẫn đến nguy cơ lây lan hàng loạt dịch bệnh.

Ngoài ra, hơn 2,2 triệu ngôi nhà đã bị phá hủy cùng với 13% cơ sở y tế, 4,4 triệu mẫu hoa màu, hơn 8.000 km đường và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác – bao gồm khoảng 440 cây cầu đã bị hư hại do lũ lụt. Ước tính, chi phí hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ở Pakistan từ tháng 6/2022 “sẽ vượt quá 16 tỷ USD và sẽ cần nhiều hơn nữa trong dài hạn”.

Từ thực tế nêu trên, ông Guterres chỉ ra rằng: “Nam Á là một trong những điểm nóng khủng hoảng khí hậu của thế giới – nơi mà mọi người có nguy cơ tử vong do tác động của khí hậu cao gấp 15 lần so với những nơi khác”.

“Việc giữ được nhiệt độ trái đất ở giới hạn tăng 1,5 độ C – vốn là cách duy nhất để bảo vệ hành tinh và tương lai của chúng ta lại đang ngày càng trở nên xa vời” – người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết, Chính phủ của ông đã chuẩn bị một kế hoạch khung toàn diện cho tiến trình phục hồi và tái thiết (4RF). Phần đầu tiên của kế hoạch 4RF phản ánh các ưu tiên phục hồi và tái thiết, trong đó đưa ra mức tài trợ tối thiểu là 16,3 USD Mỹ, với một nửa trong số đó được đề xuất đáp ứng từ các nguồn lực trong nước và nửa còn lại từ các đối tác phát triển của Pakistan.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Pakistan, người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định, việc hỗ trợ đầy đủ cho Pakistan không chỉ là vấn đề về công lý mà còn là một cử chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết. Ông Guterres nhấn mạnh, Hội nghị quốc tế về hỗ trợ Pakistan tái thiết sau lũ lụt chỉ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đó. Trong bối cảnh lượng khí thải CO2 đang không ngừng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết, ông cảm thấy “vô cùng thất vọng vì các nhà lãnh đạo trên thế giới không hành động và đầu tư cho tình trạng khẩn cấp này theo yêu cầu thực tế”.