Thời gian tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca tại Việt Nam có thể chậm hơn đề xuất ban đầu

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại lễ tiếp nhận 20 tỷ đồng tài trợ để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19 diễn ra tại Bộ Y tế ngày 27-2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Những sản phẩm đưa ra thị trường, sử dụng, phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn dù cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Đối với vắc xin nhập khẩu của AstraZeneca – hơn 117.000 liều vừa về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định, Bộ Y tế đang cùng Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đánh giá chất lượng toàn bộ lô xuất xưởng này. Do đó, thời gian tiêm có thể sẽ chậm hơn so với đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, Bộ Y tế dựa trên nguyên tắc chung là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vắc xin với người dân.

“Do đó, các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, chắc chắn. Tôi tin rằng những sản phẩm đưa ra thị trường, sử dụng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn dù cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành Y tế, loại vắc xin được các quốc gia cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nhiều nhất là Pfizer (66 quốc gia), AstraZeneca (50 quốc gia) và Moderna (28 quốc gia), hiện đã được sử dụng ở các nước. Vắc xin AstraZeneca mà Việt Nam nhập khẩu là 1 trong 2 vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá chất lượng, an toàn trong tình trạng khẩn cấp, được sử dụng trên toàn cầu.

“Các dữ liệu đến nay cho thấy, vắc xin AstraZeneca có mức độ bảo vệ khá tốt, sau mũi 1 đạt hiệu lực 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều đáng nói, 100% người tiêm vắc xin này được bảo vệ giúp bệnh không tiến triển nặng hơn. Tức là có thể một lượng nhỏ người tiêm rồi vẫn mắc nhưng diễn biến bệnh không nặng hơn và không tử vong. Đó là điều rất quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long co biết.

Bộ Y tế đang phối hợp với tất cả các đơn vị để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất trên quy mô toàn quốc, ước tính tiêm khoảng 100 triệu liều trong năm 2021. Với quy mô lớn so với những lần triển khai tiêm chủng trước đây, Bộ Y tế huy động tổng lực tất cả các đơn vị trong ngành. Trước mắt, các cơ sở y tế ở các cấp phải tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này.

Trước đó, chiều 26-2, chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia, đó là dù có vắc xin nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi vắc xin thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại vi rút ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người đó chưa được tiêm vắc xin. Hơn nữa, chúng ta chưa thể tiêm vắc xin cho tất cả người dân. Trong khi so với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”. Kể cả những người đã được tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.