Hiểm họa từ thịt thú rừng

Thói quen tiêu thụ thịt thú rừng của một số người tiêu dùng nước ta là nguyên nhân khiến tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) có “đất” để tồn tại.

Tình trạng này không chỉ gây tổn hại tới hệ sinh thái và việc tiêu thụ ĐVHD, ăn thịt ĐVHD, thịt thú rừng còn tiềm ẩn những nguy cơ làm bùng phát, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật

Nghiên cứu của WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ ĐVHD nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Theo nghiên cứu này, 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ ĐVHD tại các khu chợ bán ĐVHD trong 12 tháng qua. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ ĐVHD chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm ĐVHD trong tương lai.

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) thả cầy vòi mốc sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Mạnh Quyền

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức độ sử dụng thịt ĐVHD cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Buôn bán ĐVHD gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái tự nhiên mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người. Phần lớn người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt thú rừng, ĐVHD.

Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và ĐVHD. Ước tính trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thế giới ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD lây sang người như hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện những dịch bệnh này là do việc sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm. Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết, trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ ĐVHD, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê….

Ngăn chặn việc tiêu thụ và thói quen ăn động vật hoang dã

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), hiện trên cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi ĐVHD với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Tại một số khu du lịch sinh thái có hoạt động nuôi ĐVHD với số lượng lớn không vì mục đích thương mại gồm các loài khỉ, cá sấu nước ngọt, đà điểu và các loài thuộc lớp chim phục vụ mục đích tham quan du lịch và nuôi cảnh. Hiện phần lớn các cơ sở nuôi ĐVHD đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ĐVHD. Chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, bảo đảm điều kiện an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh… Thế nhưng hiện tại vẫn có một số cơ sở đang nuôi ĐVHD nhưng chưa có mã số cơ sở nuôi. Có tình trạng một số hộ không còn nuôi ĐVHD hoặc tạm dừng nhưng không khai báo với cơ quan kiểm lâm sở tại thu hồi mã số cơ sở nuôi. Ngoài ra, một số cơ sở nuôi ĐVHD không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc; không lưu giữ hồ sơ nguồn gốc động vật đang nuôi sau khi có giấy chứng nhận cấp mã số. Tại một số địa phương, hồ sơ nguồn gốc ban đầu chưa bảo đảm, một số cá thể nuôi phát triển từ con non bắt ngoài tự nhiên nhưng các hạt kiểm lâm chưa kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Để giảm nguy cơ xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất chính phủ các nước ban hành những quy định khẩn cấp cấm mua bán ĐVHD còn sống tại các chợ truyền thống, quy định về kiểm soát việc gây nuôi, buôn bán ĐVHD làm thực phẩm cho con người. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cũng khuyến nghị các quốc gia cần có quy định, biện pháp quản lý và giám sát việc khai thác, buôn bán ĐVHD để bảo đảm an toàn, bền vững và hợp pháp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên ĐVHD; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý ĐVHD. Đặc biệt, rất cần truyền thông để nhân dân hiểu rõ các quy định của Nhà nước về quản lý ĐVHD cũng như ý thức được nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan từ ĐVHD sang người.