Loài động vật bị tấn công oan do nỗi sợ dịch đậu mùa khỉ

Một số khỉ bị hại ở São Paulo, Brazil, do người dân lo sợ lây nhiễm đậu mùa khỉ. Trong khi đó, chuyên gia khẳng định bệnh này không liên quan đến khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loài khỉ đang bị tấn công do một số người nhầm tưởng chúng liên quan đến các đợt dịch đậu mùa khỉ bùng phát. New York Times cho hay tình trạng này đã được ghi nhận tại São Paulo, Brazil.

Theo trang tin G1 của Brazil, ít nhất 10 con khỉ đã được giải cứu vào đầu tháng 8 ở São José do Rio Preto, bang São Paulo, sau khi nhà chức trách phát hiện dấu hiệu chúng bị tấn công, đầu độc vì lo sợ lây lan bệnh đậu mùa khỉ.

Bảy trong 10 con khỉ được giải cứu đã chết sau đó. Cảnh sát ở São Paulo đang điều tra vụ việc và cho biết hành vi ngược đãi động vật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Trước tình trạng khỉ ở Brazil bị tấn công, đại diện WHO khẳng định loài động vật này không liên quan đến dịch đậu mùa khỉ. (Ảnh: Shutterstock)

Tại cuộc họp báo gần đây, bà Margaret Harris, phát ngôn viên WHO, nhấn mạnh tình trạng lây nhiễm bệnh đầu mùa khỉ hiện nay mà chúng ta đang thấy diễn ra giữa người với người.

“Chúng ta cần quan tâm đến mầm mống lây bệnh trong cộng đồng cùng các biện pháp ngăn chặn, đồng thời hiểu cách phòng tránh cho bản thân chứ không phải tập trung tấn công loài động vật khác”, bà Harris nói.

Bà nói thêm virus gây đậu mùa khỉ được đặt tên như vậy do năm 1958, giới nghiên cứu phát hiện chúng trên đàn khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng loài gặm nhấm mới là vật trung gian truyền bệnh chính của loại virus này.

Một số nhà khoa học và các quan chức y tế kêu gọi đặt tên mới cho căn bệnh nhằm tránh tình trạng phân biệt và kỳ thị. Tuy nhiên, chưa có công bố chính thức nào được đưa ra.

Những người này dẫn lý do tên hiện tại dẫn đến tình trạng kỳ thị, hiểu sai khi cho rằng mầm bệnh chỉ tồn tại ở châu Phi. Trong khi thực tế, đậu mùa đang gây khủng hoảng ở nhiều quốc gia.

Bà Harris cho biết WHO đang thảo luận về việc đặt lại tên cho đậu mùa khỉ và sẽ sớm có thông báo chính thức.

“Bất kỳ sự kỳ thị nào đối với người bị nhiễm bệnh sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Lý do là nếu mọi người sợ bị người khác biết mình nhiễm bệnh, họ sẽ không muốn nhận hỗ trợ từ chăm sóc y tế, cũng như phớt lờ các tình trạng và triệu chứng của bệnh. Đó là nguy cơ lớn nhất, càng làm gia tăng dịch bệnh”, bà cho biết thêm.

Virus đậu mùa khỉ chủ yếu được tìm thấy ở Trung và Tây Phi, đặc biệt tại các khu vực gần rừng mưa nhiệt đới. Các loài sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambian và chuột ngủ đông đều được xác định là những loài vật mang mầm bệnh.

Những người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau lưng, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, kiệt sức. Triệu chứng phổ biến là phát ban trông giống mụn nhọt hoặc mụn nước.

Sự lây truyền xảy ra khi tiếp xúc gần và thường lây lan nhất khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ ràng, trong khoảng thời gian từ 6 đến 13 ngày sau khi tiếp xúc. Đa số trường hợp được phát hiện tại thời điểm này là đối tượng nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ. Nước này hiện ghi nhận hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh. WHO đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 7. Số ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới tăng lên hơn 31.000 ca tính đến nay.

Hai loại vaccine ban đầu được phát triển cho bệnh đậu mùa có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đối với bệnh đậu mùa khỉ, trong đó vaccine Jynneos được cho là sự lựa chọn an toàn hơn. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại rất hạn chế. Người dân chỉ có thể được tiêm phòng sau khi đã tiếp xúc với virus nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh.