Liên minh châu Âu (EU) khẳng định quan hệ đối tác lâm nghiệp bền chặt với 5 quốc gia

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH tại Ai Cập, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ký 5 bản ghi nhớ về quan hệ đối tác lâm nghiệp với Guyana, Mông Cổ, CH Congo, Uganda và Zambia.

Đây được coi là một đóng góp vào quy mô bên ngoài của Thỏa thuận Xanh của thay mặt Liên minh châu Âu (EU).

Quang cảnh lễ khai mạc COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 6/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang TTXVN đưa tin, quan hệ đối tác lâm nghiệp bao gồm khuôn khổ hợp tác toàn diện của EU về rừng nhằm ngăn chặn nạn phá rừng ở các nước được hỗ trợ, qua đó tăng cường bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học. Rừng đóng vai trò như bể chứa carbon và là yếu tố cần thiết cho thích ứng và làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh vai trò to lớn của rừng trong chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, cung cấp sinh kế cho hàng triệu người trên toàn cầu.

Rừng là nơi sinh sống của 80% các loài thực, động vật và vi sinh vật trên cạn, trong khi 1,6 tỷ người sống dựa vào tài nguyên rừng để làm sinh kế, thực phẩm và nhiên liệu. Trước rất nhiều nguy cơ đe dọa rừng, các nước phải hành động để đẩy lùi nạn phá rừng và tăng cường bảo vệ rừng.

Chủ tịch EC cũng cho biết EU chủ trương thiết lập quan hệ đối tác lâm nghiệp với càng nhiều đối tác càng tốt để duy trì những khu rừng bền vững cho một tương lai vững chắc hơn.

Thông qua quan hệ này, EC sẽ hỗ trợ các đối tác trong công tác quản lý và bảo tồn rừng bền vững-một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất thế giới-để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như thúc đẩy phát triển bền vững.

Thông qua quan hệ đối tác lâm nghiệp, các bên tái khẳng định cam kết chính trị lâu dài và ý định hợp tác chặt chẽ để đảm bảo quản lý rừng bền vững thông qua cải thiện quản trị rừng và môi trường kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và kinh tế sinh học (tích hợp các ngành kinh tế và sinh học) rừng, tạo việc làm và phát triển kinh tế-xã hội thông qua các chuỗi giá trị bền vững liên quan đến rừng và tiếp cận thị trường; giảm diện tích rừng bị chặt phá và suy thoái rừng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh lâm sản hợp pháp và bền vững.

Quan hệ đối tác lâm nghiệp và khoản đóng góp 1 tỷ euro của EU cho cam kết tài chính bảo vệ rừng toàn cầu lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh). Một năm sau, việc ký kết 5 quan hệ đối tác lâm nghiệp trong COP27 là cơ hội để hiện thực hóa cam kết của EU về bảo vệ, phục hồi và quản lý rừng bền vững.

 

Trung Quốc kêu gọi thực hiện đầy đủ cam kết tài chính khí hậu

Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề khí hậu, ông Giải Chấn Hoa ngày 8/11 kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước dễ bị tổn thương để chống biến đổi khí hậu trong thời gian sớm nhất và xây dựng lộ trình để tăng gấp đôi ngân sách này.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm El-Sheikh (Ai Cập), ông Giải Chấn Hoa nhấn mạnh rằng: Trước những thách thức to lớn do các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên gây thiệt hại nặng nề tới từng lục địa, và sự xuất hiện các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực trong năm nay, chủ nghĩa đa phương, sự đoàn kết và hợp tác là cách duy nhất để giải quyết vấn đề trên.

Theo Đặc phái viên Trung Quốc, năm nay đánh dấu 30 năm ngày ra đời Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đang bước vào giai đoạn thực hiện đầy đủ, vì vậy COP27 gánh vác nhiệm vụ quan trọng là tạo sự đồng thuận về các nguyên tắc của UNFCCC và thúc đẩy các hành động thực tế của tất cả các bên.

Tăng cường tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu chính của hội nghị COP27.

Việc không đạt được mục tiêu đề ra, hay nói cách khác những lời hứa trước đây đã không được thực hiện sẽ khiến mục tiêu đàm phán tăng cường viện trợ khí hậu trở nên khí hậu.