Tropenbos Việt Nam hỗ trợ cho Đắk Lắk bảo vệ, phục hồi rừng

Tropenbos Việt Nam sẽ hỗ trợ cho tỉnh này xây dựng 4 mô hình phục hồi rừng lẫn tư vấn các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với đặc thù của địa phương.

Ngày 12.11, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức hội thảo tham vấn “Xác định các khu vực cần phục hồi rừng phù hợp ở tỉnh Đắk Lắk”.

Những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng tại địa phương. Ảnh: B.T

Sự kiện có sự phối hợp của chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm)  nhằm chia sẻ thông tin và tham vấn các bên liên quan để hoàn thiện báo cáo các kết quả nghiên cứu liên quan đến xác định các khu vực cần phục hồi rừng trên phạm vi tỉnh Đắk Lắk.

Qua đó, các đơn vị sẽ đề xuất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như các kỹ thuật phục hồi rừng ở địa phương phù hợp.

Theo Tropenbos Việt Nam: Trong bối cảnh hiện nay, lâm nghiệp là một trong những ngành đóng vai trò ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cần phải có những giải pháp để bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển diện tích rừng đã bị suy giảm cho thế hệ tương lai.

Việc theo dõi diễn biến rừng là cơ sở khoa học quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu thực tế của TS. Cao Thị Lý và các chuyên gia của Trường Đại học Tây Nguyên, bằng phương pháp khác nhau, có thể nhóm 7 tiêu chí bảo vệ, phục hồi rừng được lựa chọn bao gồm hiện trạng, độ dốc, địa thế, cự ly đến khu dân cư, cự ly đến khu canh tác, mức độ khó khăn cho đi lại và dịch vụ môi trường rừng.

Riêng để phân tích xác định mức độ ưu tiên các khu vực cần phục hồi rừng tại 2 huyện Krông Bông và Lắk thì ngoài những tiêu chí kể trên còn phải thêm tiêu chí về mức độ quan tâm đến phục hồi rừng của các chủ rừng.

Qua thảo luận, các chuyên gia của Tropenbos Việt Nam kiến nghị chính quyền cần cân nhắc tính phù hợp của các giải pháp phục hồi rừng cụ thể với từng kiểu, hiện trạng đồng thời quan tâm đến tính phù hợp của những giải pháp đề xuất do cộng đồng, hộ gia đình quản lý ở 2 huyện Lắk, Krông Bông.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đánh giá những khó khăn, trở ngại của cộng đồng, các khu vực cụ thể cần phục hồi lẫn đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi trước khi triển khai.

Phía Tropenbos Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng 4 mô hình phục hồi rừng (2 mô hình với chủ rừng lớn, 2 mô hình với cộng đồng), xây dựng kế hoạch phối kết hợp với tổ công tác và các bên liên quan khác như chủ rừng, Trường Đại học Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông lâm, Cộng đồng.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk: Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 508,563 ha đất có rừng, với 437,734 ha rừng tự nhiên và 70,829 ha rừng trồng, độ che phủ của rừng đạt 38.8%. Hệ thống rừng đặc dụng trong phạm vi tỉnh gồm 5 khu vực gồm Vườn quốc gia Yok Don (Buôn Đôn), Chư Yang Sin (Krông Bông, Lắk); khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Ea sô (Ea Kar) và rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk (Lắk).

Các kiểu rừng ở Đắk Lắk gồm có rừng kín lá rộng thường xanh, rừng lá kim á nhiệt đới, rừng kín nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới, rừng thưa lá rộng rụng lá theo mùa (rừng khộp), rừng hỗn giao tre nứa…