Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6: Thông điệp bảo vệ môi trường từ xiếc thú nuôi

Từ khi Liên minh Châu Á vì động vật kêu gọi không sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn xiếc thú ở Việt Nam, các tiết mục xiếc thú nuôi đã đem lại sự hứng thú, mới lạ cho khán giả. Thông qua đó, các nghệ sĩ xiếc cũng mong truyền tải tới trẻ em thông điệp bảo vệ môi trường sinh thái hoang dã.

Một tiết mục xiếc thú.

Lợn, gà, trâu… diễn xiếc

Cuối tháng 5 năm 2018, Liên minh Châu Á vì động vật (AFA) đã đề nghị Bộ VH,TT&DL Việt Nam cấm dùng động vật hoang dã (ĐVHD) trong hoạt động biểu diễn xiếc. Tổ chức này đưa ra các khuyến nghị cụ thể như: Truy tố các chủ rạp xiếc vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng động vật trong nhóm ĐVHD cho mục đích thương mại; Cấm sử dụng tất cả các loài ĐVHD trong biểu diễn xiếc, nơi động vật bị ép thực hiện các hành vi trái với những hành vi tự nhiên của chúng…

Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, tuân thủ các Công ước quốc tế về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng ĐVHD trên sân khấu xiếc, các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu. Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bàn giao bốn chú gấu cuối cùng của rạp xiếc cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam nhằm thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn. Những ĐVHD này sẽ được chuyển đến những nơi nuôi dưỡng mới.

NSƯT Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng đánh giá, xiếc thú là biểu tượng không thể thiếu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam qua hơn 60 năm phát triển. Nhưng bốn năm nay, từ nhận thức trên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuyển hướng phát triển nhiều loại thú nuôi để biểu diễn thay thế ĐVHD. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu của khán giả nói chung và khán giả nhỏ tuổi nói riêng, các chương trình cần sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn.

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ thêm: “Xiếc thú hoang dã thường là các tiết mục “đinh” và đặc biệt hấp dẫn mọi đối tượng khán giả. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao không còn xiếc gấu, hổ hay voi nữa, phải chăng xiếc thú của Việt Nam đang bị tụt dốc? Chúng tôi mong khán giả chia sẻ và chấp nhận rằng từ nay những tiết mục xiếc thú chủ đạo sẽ chỉ là những con vật nuôi như chó, mèo, vẹt, lợn, dê, trâu…”.

Những khán giả cảm thấy bất ngờ và thích thú khi những con vật như lợn, dê, trâu, vẹt… lại có thể làm xiếc. Đặc biệt, thế hệ khán giả trẻ khá ủng hộ việc chuyển đổi này, bởi đây là một bước tiến lớn trong công tác bảo vệ ĐVHD, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Anh Nguyễn Hoàng 32 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Các con tôi xem lợn, mèo, trâu… biểu diễn xiếc rất thích thú và ngạc nhiên. Bởi những con vật tưởng như không thể làm xiếc nay lại có những tiết mục biểu diễn hết sức dễ thương. Trước đây, khi xem voi phải đánh đu trên chiếc ghế nhỏ hay chú gấu khó khăn khi phải đạp chiếc xe bé tí, các con rất thương. Nay voi và gấu không phải gồng mình diễn xiếc, các con vui lắm”.

Các tiết mục xiếc thú nuôi cũng hấp dẫn nhiều khán giả.

Phương pháp huấn luyện đặc biệt

Việc chuyển đổi dần từ ĐVHD sang thú nuôi vào biểu diễn xiếc cũng được các khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Liên đoàn Xiếc Việt Nam có hơn 40 người trước đây huấn huyện các loại ĐVHD, hiện đang dần chuyển sang nuôi dạy các loại thú nuôi. Ngay cả các diễn viên khác cũng hứng thú việc chăm sóc và dạy các “diễn viên độc đáo” này. Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Đức Tài sau bao năm ghi dấu ấn với những tiết mục leo cột, đánh vòng, đu dây thì nay đã chuyển sang biểu diễn xiếc thú. Nghệ sĩ này hiện huấn luyện 3 con trâu và 2 con lạc đà.

Về phương pháp huấn luyện, nghệ sĩ xiếc Kim Cương cho hay, bây giờ không cần dùng tới roi vọt, bạo lực mà dựa vào tình yêu thương, cũng như tập tính háu ăn của loài vật. Chẳng hạn, đối với lợn, chúng lười vận động nhưng lại háu ăn nên cứ cho nó ăn là huấn luyện được. Lợn cũng có sự thông minh riêng, có phản xạ nhận biết riêng nên khi chủ chỉ cần lớn tiếng là nó đã biết sợ.

Các nghệ sĩ coi thú là bạn diễn, sống gần gũi với chúng hàng ngày để hiểu “tâm tư, tình cảm” của chúng. Khi đã yêu thương thì không thể làm thú tổn thương. Phương pháp huấn luyện cũng thay đổi, bằng cách nghiên cứu tâm lý và thể trạng thú thay vì áp đặt. Vậy nên chúng tự nguyện bắt chước theo con người chứ không hoảng sợ.

Tuy nhiên, với đặc thù loài thú nuôi thường nhỏ bé về ngoại hình nên các tiết mục cần phải tăng số lượng thú để lấp đầy khoảng rộng của sân khấu. Từ đó, đòi hỏi các đoàn xiếc phải bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo vừa chăm sóc và huấn luyện các thú nuôi.

Ngoài Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các đoàn xiếc chuyên nghiệp khác như Đoàn Xiếc Hà Nội, Đoàn Xiếc TP Hồ Chí Minh… đã thay thế các ĐVHD diễn xiếc thành các thú nuôi. Tuy nhiên, ở một số đoàn xiếc tư nhân, gánh xiếc vẫn đang sử dụng một số loại thú hoang dã vào biểu diễn. Có đoàn xiếc buộc khỉ trên xe diễu đi khắp nơi giữa trời nắng như đổ lửa. Có nơi điều kiện nuôi thú nghèo nàn, tồi tàn, chế độ huấn luyện ngược đãi, bạo hành khiến các con vật sợ hãi, khủng hoảng. Đó là sự phản cảm, làm tổn thương người yêu động vật.

Từ thực tế, một câu hỏi đặt ra: Nên chăng cần luật hóa những vấn đề trên nhằm giảm nhanh, tiến tới bỏ hoàn toàn xiếc thú hoang dã, nâng cao công tác bảo vệ ĐVHD, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể của Nhà nước về biểu diễn xiếc thú để vừa đảm bảo tính nhân văn đối với động vật nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí, gắn kết tình yêu thương động vật của các khán giả, đặc biệt là khán giả nhí.

Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và chào đón hè 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo sản xuất, NSND Tống Toàn Thắng là tác giả và đạo diễn. Theo NSND Tống Toàn Thắng, “Chúa tể rừng xanh” bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào Thứ Năm hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường.

Trước “Chúa tể rừng xanh”, Liên đoàn Xiếc Trung ương đã ra mắt “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu” với các “diễn viên” là những động vật nuôi dễ thương: chó, mèo, lợn, khỉ, dê, ngựa, trâu…