Tăng cường tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Sở NN&PTNT Hà Nội) có chức năng cứu hộ, bảo tồn, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập… Trong những năm qua, trung tâm còn triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hoàng Văn

Thực hiện tốt việc bảo vệ động vật hoang dã

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức tái thả động vật về môi trường tự nhiên. Nhờ đó, số động vật được chăm sóc, cứu hộ hằng năm tại trung tâm ngày càng tăng.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận 92 vụ với 774 cá thể động vật hoang dã và 33,4kg rắn, tăng 15 vụ với 110 cá thể so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, trung tâm còn điều trị cho 916 lượt cá thể động vật mắc các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương. Sau cứu hộ, điều trị, trung tâm đã tổ chức tái thả 3 đợt với 357 cá thể động vật hoang dã và hơn 13,4kg rắn về môi trường tự nhiên. Trong số này có nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ như: Rùa đầu to, mèo rừng, cu li, rái cá, gà mặt đỏ…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, những năm qua, trung tâm đã tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Qua đó giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về bảo vệ động vật hoang dã, nói không với các hành vi: Buôn bán, tiêu thụ, săn bắt, khai thác, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã…

Điển hình, từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã bằng các hình thức như: Phát tờ rơi, lắp đặt poster tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… thu hút hàng chục nghìn học sinh, giáo viên tham gia tìm hiểu.

Năm 2021, trung tâm tổ chức tuyên truyền bằng hình thức in 25.000 quạt nan để phát tới 25 trường học trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Đông Anh. Năm 2022, trung tâm in 32.500 quạt nhựa để phát tới học sinh của 50 trường học trên địa bàn 2 huyện Mê Linh và Ba Vì. Nội dung tuyên truyền là những hình ảnh sinh động về động vật hoang dã và thiên nhiên với những dòng khẩu hiệu “Tự nhiên là nhà”; “Bảo vệ động vật hoang dã là cứu lấy thiên nhiên”; “Cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã”…

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, việc lựa chọn đối tượng học sinh để tuyên truyền là nhằm mục đích giáo dục học sinh có ý thức tự giác bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; giúp các em hiểu được vai trò, trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã. Từ đó, mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tới gia đình, bạn bè và cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ sự đa dạng sinh học trong tự nhiên.

Qua đánh giá, công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh được Ban Giám hiệu các nhà trường đánh giá cao. Nhiều học sinh đã trở thành thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế về công tác đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã; có nhiều học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế về lĩnh vực này. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã tại trường học.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, công tác tuyên truyền thời gian qua còn hạn chế, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú… Để công tác tuyên truyền đa dạng, sinh động hơn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đổi mới về nội dung và hình thức. Đặc biệt, trung tâm xây dựng các chương trình truyền thông về tác hại của việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã và phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức như: Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền trên các báo, đài truyền hình của thành phố Hà Nội; tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về bảo vệ động vật hoang dã; tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh, sinh viên; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp…

Về lâu dài, trung tâm cũng đề xuất đưa nội dung tuyên truyền bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và lồng ghép vào các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở; đưa vào các quy ước, hương ước tại các thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố… Đặc biệt, trung tâm đề xuất thành phố sớm mở rộng trung tâm theo quy hoạch đã được phê duyệt để vừa thực hiện công tác bảo tồn, vừa là nơi tham quan, học tập cho học sinh, sinh viên và khách du lịch.

Làm tốt công tác tuyên truyền, chắc chắn nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sự đa dạng sinh học ngày càng được nâng cao…