Chim choắt lập kỷ lục bay liên tục 13.500km trong 11 ngày

Một con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn (bar-tailed godwit) 5 tháng tuổi phá vỡ kỷ lục về di cư đường dài sau khi bay 13.560 km không ngừng nghỉ trong 11 ngày.

Mùa thu hàng năm, hàng triệu con chim bắt đầu hành trình di cư đầy rẫy nguy hiểm để đến nơi ấm áp hơn. Nhiều con từng bay được quãng đường ấn tượng trên 10.000 km. Nhưng năm nay, một con chim nhỏ đã vượt qua mọi kỷ lục về bay đường dài trước đây.

Tháng trước, một chú chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn – thường sống ở vùng đầm lầy – đã bay từ Alaska đến New Zealand để trú đông. Nhưng vì lý do nào đó xảy ra trong hành trình đầy mệt mỏi của mình, chú chim nhỏ đó đã bay vòng một chút khiến quãng đường bay của nó bị chênh thêm 500 km so với hành trình ban đầu. Đó có vẻ là một khoảng cách nhỏ so với hành trình 13.000 km thông thường, song lại một sự chênh lệch có thể gây hậu quả chết chóc.

Loài chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn. (Ảnh: Johnny Madsen/Alamy)

Ông Eric Woehler làm việc tại tổ chức Birdlife Tasmania nói với kênh ABC News: “Hải âu đuôi ngắn và chim báo bão có thể sà xuống mặt nước để kiếm ăn. Nhưng nếu con chim choắt đáp xuống nước, nó sẽ chết. Nó không có màng ở chân nên không thể trồi lên khỏi mặt nước. Vì vậy, nếu nó rơi xuống nước vì kiệt sức và thời tiết xấu thì cuộc đời nó sẽ kết thúc ở đó”.

Các nhà khoa học đã có thể theo dõi chuyến bay kỷ lục của chú chim nhỏ trên nhờ sự trợ giúp của một thiết bị nặng 5 gram. Tiến bộ công nghệ đã cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi những loài chim nhỏ như vậy mà không gây nguy hiểm cho chúng. Bởi lẽ, việc gắn thêm vật thể có trọng lượng đáng kể đối với một sinh vật chỉ nặng từ 300 đến 400 gram có thể khiến tính mạng của chúng gặp nguy hiểm.

Tiến sĩ Woehler cho biết: “Việc gắn thẻ vệ tinh lên một con chim hải âu nặng 5kg trở lên là một chuyện, nhưng xét về mặt công nghệ và đạo đức, gắn thiết bị theo dõi lên một con chim chỉ nặng 300 – 400 gram lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

Dữ liệu được ghi lại cho thấy con vật 5 tháng tuổi này đã cất cánh vào ngày 13/10 từ vùng đầm lầy Yukon Kuskokwim ở Alaska, bay theo tuyến đường thông thường qua Thái Bình Dương xuống New Caledonia và qua Biển Tasman, trước khi thực hiện một cú ngoặt 90 độ bất ngờ khiến nó hướng về Tasmania, thay vì điểm đến New Zealand ban đầu.

Tiến sĩ Woehler ước tính rằng con chim này đã bị giảm ít nhất một nửa trọng lượng cơ thể trong chuyến bay liên tục kéo dài 11 ngày, nhưng nó đã hạ cánh an toàn trên cạn, lập kỷ lục Guinness mới về quãng đường bay di cư của loài chim. Kỷ lục trước đó đã được thiết lập vào năm 2020 bởi con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn khác với hơn 12.000 km trong 11 ngày.

Thật thú vị, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải vì sao những loài chim nhỏ bé như vậy lại có thể vượt qua chặng đường dài kỷ lục không cần dừng chân và không bị lạc.

Nguồn: