Tăng nguồn thu cho người dân ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Các trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thực hiện việc chấm công hàng ngày cho các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng khi đi tuần tra rừng…

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) với diện tích 70.038ha, nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông. Vườn nằm trên độ cao trung bình 1.500m – 1.800m, địa hình chia cắt mạnh được chắn bởi các dãy núi cao như đỉnh Hòn Giao (2.060m), Bidoup (2.287m), LangBiang (2.167m). Khí hậu nơi đây ôn hoà, nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 18 độ C, lượng mưa trung bình năm 1800mm, độ che phủ rừng tự nhiên trên 91%. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (viết tắt VQG Bidoup – Núi Bà) có nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu Á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng quý, hiếm, đặc hữu; đồng thời bảo vệ phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai.

Hoạt động trồng cây xanh ở VQG Bidoup – Núi Bà.

Bidoup – Núi Bà là một trong 5 VQG có diện tích lớn nhất Việt Nam và là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học cao ở Việt Nam bao gồm nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.

VQG Bidoup – Núi Bà nằm trên địa bàn của 5 xã và 1 thị trấn, với hơn 80% là người dân tộc thiểu số, tổng số hộ dân sống xung quanh vùng đệm 5.067 hộ, dân số là 26.028 nhân khẩu. Tổng số hộ dân sống trong vùng lõi của VQG là 193 hộ, với 942 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây là từ nông nghiệp, do đó đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những hộ dân sống gần rừng, những hộ dân tộc thiểu số hàng ngày vẫn vào rừng thu hái lâm sản, khai thác gỗ, khai thác khoáng sản…

Vì vậy những năm qua, VQG Bidoup – Núi Bà đã triển khai rất nhiều hoạt động có liên quan đến cộng đồng địa phương, coi cộng đồng địa phương là nhân tố quan trọng trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể:

Đẩy mạnh chương trình giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng từ chính cộng đồng, giúp cộng đồng có nguồn thu nhập. Diện tích giao khoán cho các hộ dân tăng hàng năm, kéo theo nguồn thu nhập hàng năm của các hộ dân cũng tăng.

Bên cạnh đó, thực hiện một số dự án nhằm hỗ trợ cho người dân tham gia để có thu nhập, nâng cao đời sống. Điển hình như Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng của VQG Bidoup – Núi Bà”. Đây là dự án đầu tư cho cộng đồng địa phương, trang bị cho cộng đồng nhiều kiến thức và những hiểu biết về rừng và về trồng trọt, chăn nuôi…, đồng thời hướng cho cộng đồng những kiến thức cơ bản trong việc phát triển du lịch.

Đẩy mạnh chương trình trồng rừng, chăm sóc rừng, nuôi dưỡng rừng và trồng rừng thay thế với kinh phí hàng tỷ đồng/năm. Riêng năm 2016, VQG đăng ký trồng rừng thay thế gần 200ha, vốn khoảng gần 20 tỷ đồng; hàng năm đều có kế hoạch trồng rừng thay thế và trồng rừng sau giải tỏa, tất cả những chương trình này đều giao cho dân thực hiện, dưới sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cán bộ VQG Bidoup – Núi Bà.

Các trạm kiểm lâm của VQG đã thực hiện việc chấm công hàng ngày cho các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng khi đi tuần tra rừng. Trạm kiểm lâm xác định những khu vực trọng điểm, dễ xảy ra phá rừng, lấn chiếm, cháy rừng… để phối hợp cùng các hộ dân nhận khoán tiến hành tuần tra. Mỗi quý phát tiền một lần cho các hộ nhận khoán, trong quý đó nếu tổ nhận khoán để xảy ra lấn chiếm, phá rừng… trên diện tích nhận khoán thì sẽ bị xem xét, tùy theo mức độ bị thiệt hại có thể nhắc nhở, phê bình, trừ tiền hoặc cắt hợp đồng.