Bảo vệ và khai thác giá trị của các vườn quốc gia hiệu quả

Cần đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng, đa giá trị của các vườn quốc gia.

Vườn Quốc gia Cúc Phương thường xuyên tổ chức tái thả động vật hoang dã về rừng. (Ảnh: H.Quỳnh)

Khai thác đặc trưng giá trị vườn quốc gia

Ngày 12.8.2022, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án VFBC thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế: GIZ, WWF, USAID, IUCN, FFI… đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội các vườn quốc gia; một số đơn vị thuộc Bộ NNPTNT và đại diện 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp và các vườn quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay, cả nước có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu hecta, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NNPTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).

Xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng

Với trọng tâm là đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng, đa giá trị của rừng, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, không chỉ 6 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, mà đối với 167 khu rừng đặc dụng trên cả nước đều có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Theo đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã thì các Vườn quốc gia cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái. Tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các vườn quốc gia. Trên cơ sở đó tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng vườn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên…

Mặt khác, tăng cường xã hội hoá nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Tiếp tục triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân…