Biến thể BA.2.75 của Omicron vừa vào Việt Nam nguy hiểm thế nào?

Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể BA.2.75 của Omicron- biến thể được đánh giá là có tốc độ lây nhiễm cao hơn hẳn so với các biến thể trước đây.

Biến thể BA.2.75 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh: News-Medical

Khi một làn sóng “tái nhiễm” toàn cầu được kích hoạt bởi sự xuất hiện của biến thể COVID-19 BA.5 – được coi là biến thể thế hệ thứ hai tồi tệ nhất – thì một biến thể phụ mới, BA.2.75, đã xuất hiện ở Ấn Độ và dường như vượt trội hơn BA.5.

Mặc dù còn rất nhiều điều chưa biết về BA.2.75, nhưng các đột biến chính, cũng như tốc độ lây truyền đáng kinh ngạc và phạm vi địa lý của BA.2.75, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Họ cho rằng, những đột biến này có thể là một mối nguy hiểm tiềm tàng, theo trang News-Medical.

Theo ghi nhận trong cơ sở dữ liệu GISAID (nguồn lưu trữ thông tin dữ liệu bộ gene của virus cúm và Coronavirus gây ra đại dịch COVID-19) tính đến ngày 25.7, biến thể BA.5 chiếm 52% trong trình tự gene, khiến nó trở thành dòng chủ đạo trong đợt bùng phát toàn cầu mới nhất. Một loạt kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng, BA.5 dường như là phiên bản lây nhiễm mạnh nhất của SARS-CoV-2 với hệ số lây nhiễm cơ bản R0 là 18,6.

Bên cạnh đó, khả năng né miễn dịch khiến BA.5 nhanh chóng trở thành chủng trội. Một báo cáo từ New York cho thấy, khả năng nhiễm đột phá của BA.5 là khoảng 4,2 lần so với BA.1. Nhiễm đột phá là trường hợp một người được tiêm đầy đủ vaccine ngăn ngừa một bệnh nhưng bị mắc lại chính bệnh đó. Để hiểu đơn giản, nhiễm đột phá xảy ra khi vaccine thất bại trong việc tạo ra khả năng miễn dịch chống lại mầm bệnh vốn là mục tiêu của vaccine.

Các báo cáo nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, BA.5 cũng có khả năng thoát miễn dịch mạnh mẽ khỏi huyết thanh của những người bị nhiễm BA.1, có nghĩa là khả năng miễn dịch hiện tại trong quần thể có thể không có hiệu quả với BA.5.

Biến thể BA.2.75 xuất hiện ở Ấn Độ và lây lan tới nhiều quốc gia. Ảnh: AFP

Trong khi có thông tin cho rằng, BA.5 là biến thể tồi tệ nhất cho đến nay, thì biến thể phụ mới, BA.2.75, đã xuất hiện ở Ấn Độ và nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về mức độ lây nhiễm, tỉ lệ nhập viện hoặc khả năng né miễn dịch, các chuyên gia vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về độc lực của biến thể này.

Tiến sĩ Eric Topol – người sáng lập và giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở Mỹ – giải thích rằng, biến thể BA2.75 sở hữu thêm 8 đột biến so với chủng BA.5, do đó có thể né miễn dịch mạnh hơn.

Tom Peacock – nhà virus học tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm, Đại học Hoàng gia London – cũng cho hay, protein gai trong BA.2.75 có một số đột biến chính, đáng chú ý là khả năng tăng trưởng nhanh và lây lan rộng rãi theo địa lý.

Theo một nhà virus học nổi tiếng khác, Jesse Bloom từ Viện nghiên cứu Fred Hutch (Mỹ), phân tích trình tự gene của BA.2.75 cho thấy, nó nhiều hơn 17 đột biến nucleotide so với phiên bản gốc BA.2. Ngoài ra, hai đột biến quan trọng của biến chủng là G446S và Q493R có sự thay đổi kháng nguyên đáng kể so với bản gốc.

Các cuộc điều tra trước đây phát hiện ra rằng, G446S là một trong những đột biến có lợi thế né miễn dịch mạnh mẽ. Nó có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine ngăn ngừa BA.2. Ngược lại, Q493R làm tăng khả năng bám vào thụ thể ACE2 của virus. Đây là loại protein mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào.

Trong khi nhóm các mẫu và trình tự gene vẫn còn ít, biến thể phụ BA.2.75 của Omicron đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng như là “biến thể thế hệ thứ hai” đầu tiên có tốc độ lây nhiễm cao hơn hẳn so với các biến thể trước đây.

Do đó, điều quan trọng là phải giám sát và theo dõi hiệu quả biến thể này và điều tra sự phát triển của nó càng sớm càng tốt. Đồng thời, những thay đổi di truyền phức tạp hơn cũng có thể xuất hiện trong quá trình tiến hóa tiếp theo của virus.