Phát triển bền vững Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Với diện tích 25.598,18 ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực rừng liền vùng, liền khoảnh có trữ lượng động, thực vật lớn duy nhất còn lại của tỉnh Bình Phước. Đây là nơi bảo tồn mẫu chuẩn sinh thái và các nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới, đặc trưng cho đới chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mà các khu vườn quốc gia khác không có được.

Với tầm quan trọng đó, ngoài thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng luôn là điều cấp thiết.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn mẫu chuẩn sinh thái và các nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới. Trong ảnh: Vườn quốc gia hướng nhìn ra UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. (Ảnh: Phú Quý)

Nơi tái tạo sự sống cho động vật

Trung bình mỗi năm, Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận hơn 100 cá thể động vật thuộc nhóm 1B (nhóm cực kỳ quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng như vượn, culi, rái cá…), 2B (nhóm nguy cơ cao như trăn, chồn, rùa…) do người dân tự nguyện giao nộp và tang vật trong các vụ án do lực lượng chức năng thu giữ từ hoạt động bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép. Các cá thể động vật hoang dã sau khi tịch thu, tiếp nhận được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập tập luyện, phục hồi, nuôi dưỡng, khi đủ điều kiện sẽ thả về rừng tự nhiên.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Trần Văn Trưởng chia sẻ: Để tập luyện, phục hồi được bản năng động vật hoang dã, khi tiếp nhận về chúng tôi sẽ phân loại cá thể đó thuộc nhóm, loài nào, điều kiện tập luyện ra sao, yêu cầu những gì? Động vật hoang dã phải có môi trường để chúng phục hồi được kỹ năng săn bắt, cho ăn những loại thức ăn phù hợp mà người dân hay cho ăn trong quá trình nuôi nhốt từ trước; sau đó sẽ thay đổi, dịch chuyển dần về gần với môi trường tự nhiên. Đến khi chúng hoàn toàn ăn được thức ăn tự nhiên cũng như các điều kiện khác đảm bảo thì mới tái thả.

Cán bộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập đến nhà người dân tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và động vật hoang dã

Sau 8 năm thành lập, đến nay Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (trước đây là Phòng Cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật) đã tiếp nhận số lượng cá thể khá lớn để tập luyện, phục hồi, nuôi dưỡng, tuy nhiên mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vẫn còn rất hạn chế. Hiện trung tâm chỉ có 10 chuồng nuôi, cứu hộ, trong khi phải tiếp nhận nuôi dưỡng hơn 100 cá thể. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu, trung tâm phải ngăn chia chuồng thành nhiều ô nhỏ, trong đó có chuồng nuôi dưỡng nhiều nhóm, loài khác nhau.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật, BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập tận tình chăm sóc các cá thể trước khi thả về môi trường tự nhiên

“Để tiếp nhận thêm cá thể cũng như để động vật hoang dã trước khi tái thả được khỏe mạnh, thích ứng tốt với môi trường tự nhiên, ngoài xây dựng thêm chuồng thì cần có các khu tập luyện, phục hồi chuyên biệt cho các loài động vật. Cụ thể như khu tập luyện riêng cho loài bò sát, linh trưởng hay chim, thú ăn thịt… Chưa kể hiện đơn vị chỉ có 6 cán bộ, viên chức; đồng thời chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về thú y, sản xuất, chế biến thức ăn cho động vật hoang dã… Vì thế, công tác tập luyện, nuôi dưỡng, phục hồi động vật hoang dã chưa đạt được kết quả như mong muốn trước khi thả về môi trường tự nhiên” – ông Trần Văn Trưởng trăn trở.

Có không ít động vật không thể tiếp nhận thêm cũng như phải giữ lại nuôi dưỡng vĩnh viễn do không thể phục hồi hoàn toàn chấn thương. Đây là vấn đề nan giải cần được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền các cấp cũng như mạnh thường quân để xây dựng cơ sở vật chất hoàn thiện, đảm bảo tiếp nhận, phân loại, nâng cao hiệu quả việc tập luyện, phục hồi, nuôi dưỡng và tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Ông TRẦN VĂN TRƯỞNG,
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

Linh hoạt các biện pháp bảo vệ rừng

Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện có 1.114 loài thực vật, 105 loài thú, trong đó có rất nhiều động, thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vì thế, những năm qua công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn động, thực vật nơi đây luôn được BQL vườn đặc biệt quan tâm, chú trọng và thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Cổng chào vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Ngoài lực lượng kiểm lâm, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn có lực lượng cộng đồng nhận khoán tham gia bảo vệ rừng. Ông Điểu Tơn, thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập cho biết: Tổ nhận khoán có 36 người, chia thành 3 ca trực, mỗi ca trực liên tục trong 10 ngày với diện tích hơn 2.000 ha. Trong thời gian đi tuần tra, kiểm soát, ngoài tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ rừng, động vật hoang dã thì những đối tượng vào rừng bẫy bắt thú, phá rừng trái phép khi phát hiện, chúng tôi bắt giữ và giao ngành chức năng xử lý theo quy định. Từ đó, ý thức người dân được nâng cao, ít vi phạm hơn.

Một góc vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, BQL vườn quốc gia cũng đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Giám đốc BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: Đối với các loài động vật hoang dã thông thường cũng như quý hiếm, chúng tôi có đội ngũ khoa học – kỹ thuật thực hiện các đợt điều tra, khảo sát, giám sát đa dạng sinh học các tuyến điểm, sau đó sẽ chuyển cho lực lượng kiểm lâm giám sát, mai phục các đối tượng xâm nhập vào rừng bẫy bắt. Khi tuần tra, xác định được khu vực nào thú hay đi ăn thì kiểm tra người dân có đặt bẫy không; hoặc tuyến điểm nào nghi lâm tặc sử dụng súng thì phải mai phục, ngăn chặn ngay từ đầu. “Đặc biệt, hiện nay đơn vị đã cài đặt và sử dụng phần mềm Smart Mobile trong công tác tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng, quản lý lâm sản, động vật hoang dã. Qua đó giúp công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã được thực hiện hiệu quả hơn rất nhiều so với trước” – ông Vương Đức Hòa tin tưởng.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, ngoài xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích thì BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức như gắn với họp dân, chiếu phim, tuyên truyền lưu động, trực tiếp đến từng nhà dân, tổ chức các hội thi vẽ tranh, hỏi – đáp… Trọng tâm các buổi tuyên truyền là giới thiệu với người dân về vai trò, giá trị quan trọng của rừng, hướng dẫn nhận diện một số loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới… triển khai quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và kêu gọi nhân dân chung tay bảo vệ. Nhờ đa dạng các hình thức đã tạo sự hứng thú, thu hút đông người dân hưởng ứng, tham gia. Tuy nhiên, những người thường xuyên vắng nhà không tham gia các cuộc hội họp lại là đối tượng xâm nhập rừng trái phép nên BQL vườn đang tìm giải pháp và có cách xử lý riêng.

Bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến bảo vệ môi trường. Khi chúng ta gìn giữ không để tác động đến tài nguyên rừng như phá rừng làm rẫy, cháy rừng thì môi trường sống ở khu vực đó rất tốt. BQL vườn từ khi thành lập đến nay chưa có vụ phá rừng làm rẫy nào xảy ra, chỉ có cháy ngầm và đã được dập tắt kịp thời.

Ông VƯƠNG ĐỨC HÒA,
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Nhiều giải pháp được triển khai đã hạn chế tối đa vụ việc vi phạm về bẫy bắt động vật, chặt phá rừng, năm sau giảm hơn năm trước về cả mức độ lẫn quy mô. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay chưa phát hiện vụ việc nào. Những nỗ lực này của BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã góp phần bảo vệ nghiêm ngặt rừng, bảo vệ sự sống của các loài động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng.