Hãy cứu rừng Tây Nguyên

Tây Nguyên hiện có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước với tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Tuy nhiên, những cánh rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hiện đang bị xâm hại từng ngày khiến diện tích giảm, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 56 tỉ đồng. Đáng ngại hơn, diện tích rừng tự nhiên giảm 15,7 nghìn héc-ta so với năm 2018.

Có thể thấy, rừng ở khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ khiến các chủ rừng rất vất vả trong công tác quản lý, bảo vệ. Nhất là vấn nạn dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao, đời sống của người dân sống phụ thuộc nhiều vào rừng; giá một số mặt hàng nông sản tăng dẫn đến tình trạng xâm canh rừng để lấy đất trồng trọt; giá trị nhiều mặt hàng lâm sản cũng tăng cao nên các đối tượng lâm tặc manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng giữ rừng khi bị phát hiện…

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay, Tây Nguyên vẫn là “điểm nóng” phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài nhưng chậm được giải quyết dứt điểm. Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng.

Đến nay, hơn 70% rừng Tây Nguyên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt; Diện tích rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn lại ở các khu rừng đặc dụng và một số ít rừng phòng hộ đầu nguồn. Vấn đề đặt ra với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì việc giữ diện tích rừng như hiện nay cũng đã là cái ngưỡng mà chúng ta không thể để thấp hơn được nữa.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua.

Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm lâm luật và chống người thi hành công vụ; các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay tiêu cực để xảy ra các vụ phá rừng trong thời gian qua.

Ngoài ra, để giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các địa phương nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh trước năm 2025…

Ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng và quản lý tình trạng di cư hiện nay. Kiên quyết không lùi bước trước thực trạng người dân xâm lấn rừng mà phải bảo vệ tuyệt đối diện tích rừng tự nhiên hiện có; hướng đến mục tiêu nâng cao cuộc sống của người dân sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.