Không để phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum

Trước và sau dịp Tết nguyên đán 2023, UBND tỉnh Kon Tum liên tục có công văn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng, công ty lâm nghiệp… bảo vệ rừng, tránh bị lâm tặc lợi dụng thời điểm kỳ nghỉ lễ để xách cưa vào phá rừng.

Phá rừng quy mô lớn ở lâm phần công ty lâm nghiệp Sa Thầy quản lý. Ảnh Thanh Tuấn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, năm 2022 toàn tỉnh đã phát hiện 83 vụ phá rừng, khối lượng gỗ vi phạm hơn 419m3 gỗ tròn. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 110 vụ.

Tuy nhiên, lại xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn, thu hút sự chú ý của dư luận. Như vụ phá rừng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy và Ia H’Drai, diễn ra thời gian dài với thiệt hại ước tính hàng trăm m3 gỗ. Hiện 2 vụ việc vẫn đang được cơ quan Công an mở rộng điều tra.

Trước và sau dịp Tết nguyên đán 2023, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng, công ty lâm nghiệp…thường xuyên tuần tra, truy quét, đẩy đuổi lâm tặc. Nhân viên bảo vệ rừng phải thường xuyên túc trực các chốt chặn trong rừng để ngăn lâm tặc, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng khai thác rừng trái phép. Nếu có phá rừng thì người đứng đầu, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Kon Tum còn diện tích lớn rừng tự nhiên cần bảo vệ. Ảnh: Thanh Tuấn

Tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray vẫn còn nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế và hệ thực vật, đa dạng sinh học phong phú. Chủ rừng tuần tra thường xuyên, đẩy đuổi, huỷ bỏ lán trại lâm tặc dựng lên, chặn các đường mòn lối mở… để bảo vệ cho hơn 56.000ha rừng.

Đơn vị cũng triển khai ký 238 bản cam kết bảo vệ và phòng, chống cháy rừng với 238 hộ dân có nương rẫy giáp ranh với vườn quốc gia.

Tỉnh Kon Tum hiện có gần 611.000ha rừng, trong đó có hơn 547.580ha rừng tự nhiên, vì thế việc bảo vệ, giữ màu xanh của rừng là quan trọng để hạn chế thiên tai, mưa lũ, điều hoà khí hậu.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương sống gần rừng ý thức pháp luật. Đồng thời tìm cách nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân bản địa, chủ yếu là đồng bào thiểu số sinh sống gần rừng hoặc vùng đệm.