Ngày hội bắt cá của người Tày

ThienNhien.Net – Vào những ngày nắng ấm, thi thoảng đi qua những con đường liên thôn tại xã vùng cao Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nhìn về phía các con suối bao quanh cánh đồng, tôi lại thấy từng đoàn người đi lại lăng xăng dọc bờ suối, cười nói vui vẻ rộn rã một góc trời… Đó là hình ảnh quen thuộc trong ngày hội bắt cá của bà con dân tộc Tày nơi đây.

Không giống đồng bào người Mông luôn chọn đỉnh dãy núi cao để định cư hay người Dao sinh hoạt ở lưng chừng núi, người Tày có nếp sống gần gũi với người Kinh và hòa đồng với thiên nhiên. Ngay cả trong cách bắt cá của người Tày cũng có nhiều nét độc đáo mang đậm chất nhân văn.

Cả làng bắt cá

Người Tày từ xưa đến nay chủ yếu sinh sống, định cư ở chân các dãy núi, nơi có các thung lũng và dòng suối đổ về thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và đánh bắt cá làm thức ăn. Trong khi nhiều vùng khác ở nước ta nguồn thủy sinh đang bị tận diệt một cách nghiêm trọng do tình trạng đánh mìn và kích điện thì tại thôn Chiềng 2, xã Lương Sơn, huyện miền núi Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, đồng bào dân tộc Tày nơi đây vẫn áp dụng phương pháp cổ truyền bắt cá để gìn giữ nguồn tài nguyên “trời cho” này.


Trẻ con rất thích thú mỗi khi trong làng tổ chức bắt cá.

Khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi có mặt tại con suối chảy qua cánh đồng lúa xanh tốt của đồng bào Tày thôn Chiềng 2 để tham gia bắt cá với bà con. Dụng cụ được chuẩn bị là một cái vợt vớt cá bằng tre đan lưới dù hoặc cước, một chiếc xẻng cùng vài ba cái rổ. Quái lạ, với những dụng cụ thô sơ như vậy thì làm sao mà có thể bắt được được cá ở con suối chảy xiết kia? Như hiểu được ý tôi, ông Hoàng Văn Huệ, người thôn Chiềng 2 giải thích: “Không có dụng cụ, đồ nghề tối tân như các anh đâu, nhưng chúng tôi vẫn bắt được cá mới giỏi chứ!”.

Dứt lời, ông Huệ cùng một số thanh niên trong làng cậy đá xếp ngăn dòng suối, để một kẽ hở rồi đặt một cái giỏ ở đó. Cả đoàn tiến lên một đoạn khoảng vài chục mét rồi lại cậy đá ngăn nước, dùng xẻng xúc đất đắp một bờ bao chặn ngang dòng suối.

Đồng thời, một số người khẩn trương khơi thông một con mương khác để cho dòng nước thoát về bên đó. Chỉ một đoạn suối nhỏ mà tấp nập người đi bắt cá, mỗi người một việc nên chỉ trong chớp mắt, dòng suối chảy xiết đã bị chặn lại.

Trong lúc chờ con nước rút, ông Họa – một “cao thủ” bắt cá của thôn Chiềng 2 tâm sự: “Phong tục bắt cá của làng tôi có từ rất lâu rồi. Suối là của chung, cá là của chung nên khi bắt cá và hưởng thụ cũng phải chia sẻ cùng nhau. Cá sau khi thu hoạch được dù ít hay nhiều sẽ được chia đều cho từng nhà, nhà nào quăng chài được nhiều thì chia cho nhà được ít”.


Dụng cụ bắt cá thường là rổ.

Ruốc cá bằng vỏ cây

Khi con suối đã bắt đầu cạn trơ ra những hòn đá rêu xanh trơn trượt, chợt thấy một đàn cá suối rẽ sóng chạy trốn vào các hang đá. Ngay lúc đó, ông Huệ liền ôm một bó vỏ cây tươi lên ngọn con suối nơi có con đập ngăn nước. Họ bảo đó là cây trẹo có rất nhiều ở trên rừng, khi ngâm cây trẹo xuống nước cá sẽ bị ngất đi, lúc đó tha hồ mà bắt.

Tiếp đó, những người đàn ông khỏe nhất dùng đá suối đập nát đám vỏ cây. Từ trên thượng nguồn, một dòng nước đen ngòm  nhựa cây chảy len lỏi vào các khe đá, hang hốc. Từng đàn cá chạch, cá bống, tôm, cua lộn nhào lên vì ngấm “thuốc mê”. Mấy chị em người Tày đi làm đồng cũng tranh thủ kiếm bữa tối. Mấy anh thanh niên hì hục bới móc ở những vũng nước sâu có nhiều hang hốc mong bắt được những con cá to. Lũ trẻ con cũng nhao nhao thích thú theo bố mẹ bắt cá như tham gia vào một trò chơi đuổi bắt…

Theo chia sẻ của đồng bào Tày nơi vùng sâu vùng xa này, cách bắt cá bằng nhựa cây hay lá cây, thậm chí bằng quả cây đã được tổ tiên truyền lại từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Riêng cây trẹo có một chất nhựa rất lạ có thể làm cá bị ngất đi khi uống phải. Lúc đó chúng sẽ nhao lên mặt nước và người dân chỉ việc bắt vào rổ.


Cá suối sau khi được thu hoạch sẽ được chia đều cho tất cả mọi người tham gia.

Tôi hỏi có phải cách bắt cá này giống người miền xuôi dùng vôi ruốc không? Sau một hồi suy nghĩ, một già làng đắn đo tiết lộ: “Thoạt nhìn thì rất giống cách ruốc vôi bắt cá ở miền xuôi. Nhưng dùng vôi ruốc cá thì tất cả các loại cá từ lớn đến bé, tôm cua đều chết hết. Nhưng nhựa cây của chúng tôi chỉ làm cho tôm, cá ngất đi một lúc thôi chứ không làm cho chúng bị chết. Như thế thì lần sau chúng tôi mới còn cá để mà bắt tiếp chứ.”

Quả đúng như vậy, khi ngày hội bắt cá kết thúc, người ta nhanh chóng phá vỡ con đập cho nước tràn về. Những con cá may mắn sống sót vội vàng phóng ra từ các vũng nước đón dòng nước mới. Phía trên bờ, bà con người Tày đang rôm rả chia phần. Tuy chẳng nhiều nhặn là mấy, song nhìn nét mặt ai cũng vui mừng rạng rỡ. Tối nay, họ sẽ có một bữa cá suối để cải thiện.

Và đến khi suối cá sinh sôi, họ lại cùng nhau mở ngày hội bắt cá, một phong tục cộng đồng rất độc đáo và đầy tính nhân văn.