Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương

Việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề này.

Rác thải nhựa chiếm 94% số lượng chất thải ven sông và ven biển

Rác thải nhựa đang là thách thức toàn cầu và gây ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng 6 trong 10 nước Asean, thải ra 31 triệu tấn rác nhựa trên biển mỗi năm.

Vấn đề Giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa toàn cầu đã được đặt ra từ lâu, và trải qua quá trình tham vấn ở mọi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, tất cả các quốc gia đã đi đến một quyết định có tính lịch sử tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), tổ chức vào tháng 3/2022 đó là việc thông qua thông qua Nghị quyết 5/14 về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế”. Giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa/rác thải nhựa đại dương đã và đang được Chính phủ dành nhiều sự quan tâm, thể hiện qua việc cam kết ở cấp cao tại các diễn đàn lớn của khu vực và quốc tế như G7 mở rộng ở Canada, G20 Nhật bản, HN BTMT Châu Á-TBD,… Việt Nam đã luôn tích cực và thể hiện vai trò tiên phong trong vấn đề này. Tại UNEA5.2 đã cùng các quốc gia thống nhất thông qua NQ5/14.

Trước đó, tại Nairobi (Kenya), ngày 2/3/2022, Việt Nam cùng 175 quốc gia đã thông qua một nghị quyết lịch sử tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) về chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế vào năm 2024.

Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới, theo báo cáo phát hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. “Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.

Bên cạnh đó, báo cáo “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” cho thấy, chất thải nhựa phổ biến nhất trong số các loại chất thải thu gom được ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng.

Mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ ra sông và biển. Phần lớn chất thải nhựa làm ô nhiễm sông và biển ở Việt Nam là đồ nhựa dùng một lần, có giá trị thấp như túi nilon, hộp đựng thực phẩm và ống hút,

Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, các loại nhựa dùng một lần gây ra phần lớn tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và giải quyết tình trạng này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.

Việt Nam quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm “trắng”

Tính đến năm 2030, sản lượng nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng lên gấp đôi. Để có thể giải quyết được vấn đề rác thải nhựa trước tiên cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, phải nhận thức rằng đây là vấn đề toàn cầu và cốt lõi, là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Vấn đề này không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng các cơ quan, ban, ngành nào, mà nó cần sự chung tay đến từ toàn xã hội.

Cùng với nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa dùng một lần.

Hiện tại, Bộ TN&MT đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.

Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Theo ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT), hiện nay thế giới/hành tinh trái đất đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng, hay thách thức về môi trường gồm: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Ô nhiễm chất thải nhựa được xem là 1 trong 3 cuộc khủng hoảng này.

Do đó, việc hình thành Thỏa thuận là một xu thế tất yếu của thế giới nhằm giải quyết 1 trong 3 cuộc khủng hoảng nêu trên. Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa tại Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và sinh vật cả trên đất liền và trên biển, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của người dân.

Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận có ý nghĩa to lớn bởi nó đã thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề/thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề này. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đồng thời là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Cũng theo ông Huy, các giải pháp khoa học – công nghệ, mô hình phát triển kinh tế, chiến lược, kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trong thời gian tới cần được tăng cường, thúc đẩy (gồm kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm nhựa sinh học thân thiện môi trường, tái chế – tái sử dụng, các sản phẩm thay thế,…)

Đồng thời phải có cơ chế rõ ràng trong việc khuyến khích những mô hình phát triển xanh, sạch thân thiện môi trường hoặc xử phạt những vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa, xử lý ô nhiễm chất thải nhựa. Và điều quan trọng là cần chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch và lộ trình thực hiện sau khi ký kết và phê chuẩn.