Australia: Khủng hoảng nước

Australia trải qua 7 năm hạn hán, một nhịp hạn dài hiếm thấy trong lịch sử. Thiếu mưa dài ngày và tình trạng khai thác nước quá mức đã giảm mạnh dòng chảy của sông Murray-Darling và lượng nước hồ này đã giảm xuống còn khoảng 30% so với trước đây.

Thủ tướng John Howard đã phải thông báo sẽ ngừng cung cấp nước tưới cho nông nghiệp vùng châu thổ sông Murray-Darling, hệ thống cung cấp nước chủ chốt cho toàn bộ miền Đông Australia, nếu vùng bị hạn hán nghiêm trọng này không có mưa trong những tháng tới. Do đây là vùng nông nghiệp quan trọng nhất của Australia, chiếm khoảng 2/3 giá trị sản lượng nông nghiệp nước này, một quyết định như vậy sẽ gây thêm khó khăn cho khu vực nông nghiệp của Australia.

Mùa màng thất bát trong vùng này, vùng chiếm khoảng 85% diện tích đất trồng được tưới tiêu của Australia, sẽ làm cho giá nông sản, từ sữa đến rau quả tăng mạnh. Giá lương thực, thực phẩm sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Lạm phát ở Australia đã vượt quá mục tiêu 2,5 – 3% của Chính phủ. Lạm phát cao sẽ buộc ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tháng 03/2007, trước khi có thông báo trên của Thủ tướng, Cục thống kê liên bang dự báo hạn hán có thể làm cho sản lượng nông nghiệp giảm khoảng 23% trong tài khóa 2006/2007, và nhịp độ tăng GDP sẽ chậm lại khoảng 0,6%. Những mức giảm trên sẽ lớn hơn nhiều nếu nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

Tình trạng hạn hán và khủng hoảng nước hiện đang có nguy cơ tác động lan tràn sang lĩnh vực chính trị, đặc biệt trong trường hợp Chính phủ đưa ra quyết định ngừng cấp nước thủy lợi. Nếu hạn hán tiếp tục tàn phá nền nông nghiệp Australia, rất có thể kế hoạch chi 10 tỷ AUD ( tương đương với 8,3 tỷ USD) cho việc cải tiến quản lý nguồn nước ở lưu vực sông Murray-Darling của Thủ tướng Howard sẽ giành được nhiều hơn sự ủng hộ của các bang. Khoản chi ngân sách này sẽ được thực hiện ngay nếu các bang nhượng quyền quản lý nước cho Chính phủ liên bang. Kế hoạch này đã được các bang chấp thuận, trừ bang Victoria. Dân chúng ở đây đang rất lo ngại về an ninh lương thực và chất lượng nguồn nước.

Theo điều tra của các nhà khoa học Australia và báo cáo của LHQ về tác động của hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng lên, Australia là nước chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng này. Miền Đông nước này, đặc biệt là Sydney, sẽ nóng hơn và khô hạn hơn. Nhiệt độ trung bình ở đây sẽ tăng thêm 4,8 độC, mùa hạ có thể tăng thêm 7 độC, so với mức tăng trung bình của toàn cầu là 3 độC. Năm 2007, các đập trữ nước khô cạn, tần suất xảy ra hạn hán tăng lên, từ trung bình 3 năm lên 9 năm/một thập kỷ. Các trận cháy rừng và bão lớn sẽ tăng lên nhiều hơn trong khi lượng mưa giảm khoảng 40%. Dân ở Sydney sẽ phải giảm mức tiêu thụ nước tới 54% trong vòng 20 năm tới để đảm bảo cho thành phố này tồn tạo lâu bền.

Vấn đề thiếu nước sẽ có nguy cơ trở thành vấn đề trung tâm trong cuộc tranh cử liên bang tới đây. Các cử tri, nhất là những người cảm thấy Chính phủ liên bang đã không hành động đủ để ngăn ngừa tình trạng thiếu nước hiện nay, có thể chống lại kế hoạch trên vì sợ Chính phủ liên bang chuyển số tiền trên sang cứu trợ hạn hán khẩn cấp cho dân khu vực này.