Ô nhiễm không khí đang đe dọa sức khỏe cộng đồng

ThienNhien.Net – Chất lượng không khí ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động khiến cho người dân thực sự lo lắng. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, trong đó trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe do những tác động của ô nhiễm không khí.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng” do Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp với Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 17/1 tại Hà Nội.

Các chỉ số điều vượt chuẩn

Ông Đỗ Xuân Hoàn, thành viên nhóm nghiên cứu Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh, cơ quan điều phối Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cho biết Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu và có báo cáo về “Chất lượng không khí Việt Nam năm 2016”.

Báo cáo đã đưa ra một bức tranh tổng quát về những tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, cũng như mức độ hiểu biết và mối quan tâm của người dân về vấn đề liên quan đến chất lượng không khí. Do những hạn chế về dữ liệu nên báo cáo chỉ tập trung vào hiện tượng chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng phân tích vấn đề các hạt bụi trôi nổi trong không khí.

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Theo đó, các phát hiện chính của báo cáo cho thấy: Lượng bụi PM2.5 trung bình năm ở Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn một chút so với ngưỡng qui chuẩn trung bình năm của quốc gia. Lượng bụi PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội cao gấp đôi so với qui chuẩn cho phép quốc gia.

Ô nhiễm không khí hiện là vấn đề phức tạp đặt ra nhiều thách thức kép trong công tác quản lý và giảm thiểu tác động. Các chất ô nhiễm được thải ra từ các hoạt động của con người và từ các nguồn tự nhiên. Nguồn gây ô nhiễm rất đa dạng, bao gồm sản xuất điện năng, ngành công nghiệp nặng, các phương tiện giao thông, đốt rác thải, xây dựng, đun nấu…

Ông Đỗ Xuân Hoàn khuyến nghị: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, Việt Nam cần nhanh chóng giảm các nguồn gây ô nhiễm nhân tạo từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện năng, giao thông…; tăng cường thực thi các qui định hiện hành về qui chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lượng không khí tại mỗi gia đình thông qua thay đổi hành vi đun nấu (sử dụng bếp đun cải tiến).

Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách hiệu quả để đảm bảo chất lượng không khí bao gồm củng cố xây dựng và thực thi Luật, qui chuẩn về chất lượng không khí theo các qui chuẩn và thực tiễn quốc tế…

Nhiều tác động xấu đến sức khoẻ 

Tiến sỹ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khoẻ và môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nêu rõ: Ô nhiễm không khí là khi thành phần của không khí bị thay đổi dẫn tới ô nhiễm không khí. Đó chính là kết quả của quá trình thải các chất độc hại vào không khí với một tốc độ vượt quá khả năng chuyển đổi, hòa tan, lắng đọng các chất đó của các quá trình tự nhiên trong khí quyển.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo đó, các ảnh hưởng cấp tính gồm: ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong. Biểu hiện nhẹ hơn là suy nhược, chóng mặt, say, co giật, ngất, ảnh hưởng tới tim phổi… Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe con người như: Viêm phổi, viêm phế quản mãn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tỉnh; bệnh hen suyễn, tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…

Nhóm dễ bị ảnh hưởng gồm: Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người đang mang bệnh, người lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ người mắc cao nhất (17,3%) trong cơ cấu 5 bệnh tật tại Việt Nam (gồm: bệnh hô hấp, chửa đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh) và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 (16,9%) sau bệnh hệ tuần hoàn.

Trong số 10 bệnh mắc cao nhất ở Việt Nam thì có 3 bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi; viêm họng, VA cấp; viêm phế quản, tiểu phế quản). Đặc biệt, ô nhiễm không khí trong nhà và tại nơi làm việc có thể làm tăng nguy cơ ung thư; gây đau đầu; kích thích mắt, mũi, họng; mệt mỏi thần kinh, buồn ngủ, uể oải; tình trạng hôn mê, ngủ lịm; bệnh nghề nghiệp (bụi phổi, viêm phế quản…).

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra; đồng thời truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quan trắc, giám sát chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: Kết quả nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm đang gia tăng, những tác động đặc thù của ô nhiễm không khí hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng, đề xuất giải pháp hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.