Thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững, và đa dạng sinh học trong hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản

Phát triển bền vững là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều sự biến động.

Ngày 14/7/2022, tại Cần Thơ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp cùng WWF-Việt Nam, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Thủy sản Thành phố Cần Thơ đã tổ chức thành công Hội thảo “Hỗ trợ thực hiện cam kết thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học trong hoạt động nuôi trồng và chế biến thúy sản”.

Được biết Việt Nam là một trong mười sáu quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang nhanh chóng biến mất do nhiều nguyên nhân, trong đó tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác gỗ trái phép, mở rộng và thâm canh nông nghiệp góp phần không nhỏ vào sự mất đa dạng sinh học. Từ góc độ đó, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chung tay mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng này thông qua sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường là rất cần thiết.

Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về những giá trị thiên nhiên và các mối đe dọa làm suy thoái đa dạng sinh học từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng không bền vững; giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến có khả năng tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành thủy sản thực hiện cam kết thực hành sản xuất xanh.

Đại diện Ban Thư ký VBCSD cho biết phát triển bền vững là con đường tất yếu và duy nhất cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

“Phát triển bền vững là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều sự biến động, và khủng hoảng căng thẳng, chưa từng có trong tiền lệ.”, đây là nhận định của ông Nguyễn Thành Trung, đại diện Ban Thư ký VBCSD-VCCI tại Hội thảo. Cũng theo ông Trung, tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, yêu cầu về phát triển bền vững đã được thống nhất xuyên suốt từ định hướng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia nói chung, cho đến những quy định cụ thể trong các bộ luật. Trên bình diện thế giới và Việt Nam đều công nhận vại trò quan trọng của doanh nghiệp để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Sản xuất thân thiện với môi trường, thúc đẩy đa dạng sinh học là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thủy sản.

Chia sẻ cùng nhận định với ông Trung, đại diện cho WWF-Việt Nam, ông Vương Quốc Chiến làm rõ thêm về mối quan hệ của hoạt động sản xuất và tiêu dùng với suy thoái đa dạng sinh học. Nếu tiền bạc là thước đo, thì các dịch vụ do các hệ sinh thái cung cấp ước tính có giá trị hàng ngàn tỷ USD – gấp đôi GDP của toàn thế giới. Chỉ riêng sự suy giảm đa dạng sinh học ở Châu Âu đã khiến lục địa này mỗi năm bị thiệt hại khoảng 3% GDP (tương đương 450 tỷ euro). Ông Chiến nhấn mạnh bảo vệ đa dạng sinh học phải là nhiệm vụ cấp bách. Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị COP26: “Ứng phó với biến đổi khí hậu phục hồi tự nhiên phải là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, của mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mỗi người dân”. Đại diện WWF Việt Nam cũng cập nhật đến đại biểu các quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như lý giải sự cần thiết có sự tham gia của lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là ngành tôm và cá tra, trong các hoạt động giảm thiểu nguy cơ mất đa dạng sinh học.

Ông Vương Quốc Chiến, đại diện WWF Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ đa dạng sinh học là nhiệm vụ cấp bách

Đánh giá về nhu cầu thị trường quốc tế đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Do đó, những hoạt động thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường như WWF Việt Nam và VBCSD-VCCI đang triển khai rất ý nghĩa và cần thiết, bà Hằng nhận định.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tiếp cận những mô hình kinh doanh bền vững, những giải pháp công nghệ mới hướng đến sản xuất bền vững như công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất ứng dụng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, hay các chương trình tín dụng xanh cho các dự án phát triển bền vững.

Được biết trước đó, WWF Việt Nam và VBCSD với sự hỗ trợ của Hiệp hội Thủy sản Thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức một cuộc khảo sát nhanh với trong chuỗi giá trị thủy sản để tìm hiểu về hiện trạng sản xuất, định hướng trong tương lai. Sau Hội thảo, hai bên sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ hơn với chuỗi giá trị thủy sản để từ đó có thể lựa chọn và mời 8-10 đơn vị tham gia cam kết tự nguyện chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Ba mô hình sản xuất kinh doanh tiềm năng cũng sẽ được giới thiệu đến các tổ chức cấp tín dụng xanh để được đánh giá và hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững trong tương lai.